Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Đoàn kết để xây dựng đời sống mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng đời sống mới cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Người chỉ rõ: “Phải chấm dứt những tệ nạn xấu xa do xã hội cũ để lại, như lười biếng, cờ bạc, tệ nạn nấu rượu lậu, buôn gian bán lậu, tiêu xài xa xỉ, gả bán cưỡng ép,… Chúng ta phải thực hiện nếp sống mới, lành mạnh vui tươi, một nếp sống xã hội chủ nghĩa”.

Ảnh: Đức Thụy
Trong tác phẩm Đời sống mới, ngày 20-3-1947, dưới dạng hỏi đáp, với phương pháp tư duy biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra phương hướng, lộ trình, phương châm xây dựng đời sống văn hóa mới, lọc bỏ những tập tục lạc hậu, rườm rà, gây lãng phí tốn kém. Người nhấn mạnh: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm”.

Khi về thăm cán bộ, nhân dân tỉnh Hòa Bình, Bác không vui khi một bộ phận bà con DTTS chưa biết tiết kiệm “Đồng bào còn tục lệ ma chay, cưới hỏi ăn uống lu bù. Mình ăn vài bữa, nhưng nhà có con cưới hỏi, có người chết thì mắc nợ phải đi vay. Phải bán trâu, bán ruộng. Thế là xa xỉ. Không tốt”; rằng “lúc đám cưới, mời họ nội, họ ngoại chè chén linh đình, 2 bữa say sưa bằng thích. Nhưng sau đấy nhà trai, nhà gái phải bán trâu, bò, thóc, bán ruộng, đi vay nợ”.

Kinh tế và văn hóa thẩm thấu tạo tiền đề cho nhau, do đó phải vừa cần vừa kiệm. Đó là nhân tố để thúc đẩy sản xuất, tạo cơ sở nền tảng để xây dựng đời sống văn hóa mới. Không chỉ dừng lại ở chỗ phác thảo phương hướng, quyết sách cơ bản để xây dựng đường lối văn hóa có tính toàn cục, lâu dài mà Người còn quan tâm đến cái đời thường liên quan đến đời sống sinh hoạt thiết yếu của nhân dân. Người chỉ rõ: “Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng “phong thuần tục mỹ”; rằng “Về vệ sinh đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận”. Hơn ai hết, Người thấu hiểu “Đồng bào nhiều người còn sốt rét, các cháu bé thường đau mắt hột, bụng to” có nguyên nhân một bộ phận đồng bào không biết giữ vệ sinh.

Xây dựng đời sống mới, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cần có những người làm gương, những làng làm gương… Bởi sức lay động, lan tỏa ở những gương sáng điển hình rất lớn “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”. Đồng thời Bác cho rằng đấu tranh xóa bỏ tập tục lạc hậu là một công việc nhạy cảm, phức tạp, lâu dài, kiên trì không phải một sớm một chiều khắc phục được...

Đoàn kết là một giá trị văn hóa- bộ phận hợp thành của đời sống văn hóa, do đó Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn “Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà”. Cho dù Người đã đi xa chúng ta 4 thập kỷ nhưng những chỉ dẫn của người về xóa bỏ các tập tục lạc hậu, trầm tích bản sắc văn hóa các dân tộc vẫn còn nguyên giá trị đối với đồng bào DTTS trong cộng đồng dân tộc Việt Nam hiện nay.
TS. Nguyễn Thế Tư

Có thể bạn quan tâm