Bạn đọc

Đoạn tuyệt với ma túy để làm lại cuộc đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Bây giờ có để ma túy trước mặt thì em cũng quyết không sờ tới. Em đã phí hoài gần 10 năm tuổi trẻ vì ma túy, giờ em hứa với lòng sẽ không bao giờ để mẹ phải khóc vì mình nữa”-anh Phạm Văn Công (SN 1987, trú tại tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) khẳng định chắc nịch.

Hẹn mãi tôi mới gặp được Công vì anh quá bận rộn với việc kinh doanh tại khu câu cá thư giãn của gia đình. Nhìn chàng trai rắn rỏi, tay thoăn thoắt lật từng con cá trên lò than rực hồng để kịp mang ra bàn cho khách, ít ai ngờ rằng, anh đã có một thời gian dài vùi mình trong vòng xoáy của ma túy.

 

Khu câu cá thư giãn của gia đình anh Công. Ảnh: P.L

Một thời lầm lỡ

Đến tìm Công vào buổi chiều nhưng vì khách đông quá không gặp được nên tôi đành hẹn anh vào buổi sáng hôm sau. Khi ánh bình minh nhô lên ngang rặng trúc quanh bờ ao cũng là lúc Công cho cá ăn xong. Ngồi bên bờ ao nhà mình, nhìn mặt nước lao xao đàn cá đớp mồi, Công bồi hồi nhớ lại một đoạn đời lầm lỡ.

Công kể, năm anh 20 tuổi, bố mẹ anh nghĩ phải kiếm cho con cái nghề gì chứ thanh niên mà lụi cụi theo bố mẹ làm nương làm rẫy cũng tội. Vậy là bố mẹ cho Công đi học lái xe. Sau đó, Công xin vào làm tài xế cho một công ty taxi tại TP. Pleiku. Thời gian đầu, Công rất chăm chỉ làm việc nên cũng kiếm được tiền phụ giúp bố mẹ. Nhưng rồi mọi thứ nhanh chóng thay đổi. Do công việc phải thường xuyên thức đêm, lại sẵn có tiền nên Công bị bạn xấu rủ rê dùng ma túy để “tỉnh táo lái xe”. Rồi Công trở thành con nghiện lúc nào không hay. Từ đấy, Công không còn thiết tha với công việc, ban ngày thường đánh xe về nhà nằm ngủ. Thấy con có biểu hiện lạ, mẹ Công sinh nghi và bỏ công theo dõi. “Tôi thật không tin vào mắt mình nữa khi bắt gặp Công đang hít ma túy ngay bờ ao nhà mình. Tôi đau đớn vô cùng. Một thời gian sau, tôi đấu tranh tư tưởng rồi đưa cháu đi cai nghiện”-bà Vũ Thị Xuyến (mẹ của Công) tâm sự.

Sau 24 tháng cai nghiện, Công trở về với gia đình. Cứ tưởng thời gian ở trung tâm cai nghiện đã giúp Công thoát khỏi ma lực của ma túy, nào ngờ anh còn nghiện nặng hơn. Để có tiền nướng vào thú vui tội lỗi của bản thân, Công đã tham gia mua bán ma túy. Thấy con trai ngày càng lún sâu vào vòng tội lỗi, lòng bà Xuyến đau xót hơn dao cắt, muối xát. “Chẳng có người mẹ nào lại muốn con mình ngồi tù. Nhưng tôi nghĩ, nếu cứ thế này nó sẽ chết sớm vì ma túy. Cho nó vào trại cải tạo, hàng tháng mình vẫn nhìn thấy nó. Đau xót lắm nhưng tôi đã đi báo Công an để nhờ các anh theo dõi, bắt nó đi cải tạo”-bà Xuyến nói với tôi.

Rồi điều gì đến cũng phải đến. Công bị Công an bắt và bị Tòa án tuyên phạt 32 tháng tù vì tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Nghe tòa tuyên án, Công lặng người quay lại nhìn mẹ. Bà Xuyến nuốt nước mắt vào trong, lại gần con trai dặn dò: “Vào trong đấy, con ráng cải tạo cho tốt mà làm người con ạ”.

Làm lại cuộc đời

Tại trại giam, Công được phân vào đội trồng rau, nuôi cá. Ngày nào cho cá ăn, Công cũng ngồi rất lâu trên bờ ao nhìn mặt nước. Nhận ra những khổ đau mà bản thân đã gây ra cho mẹ, Công tự hứa với lòng sẽ không bao giờ làm mẹ khóc nữa. Công mong mỏi sớm đến ngày được tự do để về nhà đào ao nuôi cá.

Nhờ cải tạo tốt nên Công được ra tù trước hạn 6 tháng. Thấy con trở về thay đổi hẳn tính tình, lại còn bàn chuyện làm ăn với anh em trong nhà, gia đình Công vui lắm. Vui nhất là bố mẹ Công thấy anh đoạn tuyệt hẳn với ma túy, không giao du với đám bạn trước đây.

Với quyết tâm làm lại cuộc đời, Công bàn với bố mẹ mở rộng diện tích ao nhà để thả cá. Là lao động chính trong nhà, hàng ngày, Công ra sức đào ao, vác đất. Sau đó, anh thả cá rô đồng, cá lóc, cá trê xuống ao. Đến lúc thu hoạch, Công tự mang cá ra chợ bán. Khi tôi hỏi: “Con trai đi bán cá thế này ngại không em?”, Công cười vui vẻ: “Mình có ăn cắp ăn trộm đâu mà ngại hả chị”.

Thấy ao cá đẹp, Công bàn với bố mẹ chuyển đổi mô hình làm ăn. Nắm bắt thị hiếu của khách hàng, gia đình Công đã biến ao nuôi cá thành khu câu cá thư giãn mang tên “Thành Cá”. Vậy là, những chòi câu cá được mọc lên. Do không gian ở đây rất mát mẻ nên khách đổ về câu cá, vui chơi rất đông. Những ngày cao điểm, cả nhà phục vụ không kịp phải thuê thêm nhân công nhưng Công vẫn là đầu bếp chính.

 

Thiếu tá Nguyễn Văn Sáng-Phó Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án Hình sự Công an huyện Ia Grai: “Hơn 10 năm qua, trong số 619 người chấp hành xong hình phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng ở huyện Ia Grai thì Phạm Văn Công là người có nghị lực nhất, biết vươn lên xây dựng cuộc sống tích cực”.

Cuộc đời Công giờ đã bước sang một trang mới. Anh đã lấy vợ và có một con gái. Vợ Công hàng ngày phụ bếp với chồng. Công nói: “Bây giờ, có để ma túy trước mặt thì em cũng quyết không sờ tới. Em đã phí hoài gần 10 năm tuổi trẻ vì ma túy, giờ em hứa với lòng sẽ không bao giờ để mẹ phải khóc vì mình nữa”. Công cũng mong những thanh niên đang nghiện ngập hãy biết trân trọng tuổi trẻ của mình, quyết tâm từ bỏ những cám dỗ để làm lại cuộc đời khi chưa quá muộn.

Phương Loan

Có thể bạn quan tâm