Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp cao su đồng loạt hạ mục tiêu lợi nhuận trong năm 2021

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

2021 dự báo tiếp tục là một năm khó khăn, nhất là với hoạt động khai thác mủ cao su - lĩnh vực chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam do giá bán cao su vẫn thấp.

 Công nhân khai thác mủ cao su tại Công ty một thành viên Mang Yang (tỉnh Gia Lai). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Công nhân khai thác mủ cao su tại Công ty một thành viên Mang Yang (tỉnh Gia Lai). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)


Mặc dù vừa trải qua một năm “bội thu” bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19, song kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cao su trong năm 2021 vẫn khá thận trọng. Hầu hết các doanh nghiệp ngành này đều hạ mục tiêu lợi nhuận so với con số thực hiện trong năm trước đó.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 vừa diễn ra cuối tháng 2 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã công bố kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm tới 12% so với năm 2020.

Cụ thể, VRG đặt mục tiêu doanh thu tài chính hợp nhất trong năm 2021 là 27.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.600 tỷ đồng. So với kết quả kinh doanh năm 2020, mục tiêu doanh thu của Tập đoàn trong năm 2021 dù tăng 4,2% song lợi nhuận lại giảm tới 12%.

Theo VRG, năm 2021 dự báo tiếp tục là một năm khó khăn, nhất là đối với hoạt động khai thác mủ cao su vốn là lĩnh vực kinh doanh chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của Tập đoàn do giá bán cao su vẫn ở mức thấp.

Từ năm 2021 trở đi, các dự án tái canh trồng cao su không được miễn tiền thuê đất trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản.

Thêm vào đó, khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt; khối khu công nghiệp chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Trong năm 2020, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đạt 25.995 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.230 tỷ đồng; lần lượt tăng 5,67% và 29,8% so với thực hiện trong 2019.

Kết quả tăng trưởng của VRG phần lớn rơi vào quý 4/2020 khi giá bán một số mặt hàng chính tăng ổn định và khoản lợi nhuận đột biến từ thoái vốn 11,8% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt, ước tính Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam ghi nhận khoản lãi ròng trị giá 1.100 tỷ đồng từ việc thoái vốn này. Rõ ràng, nếu không có khoản lãi đột biến này, lợi nhuận của VRG khó tăng cao trong năm 2020 như số liệu công bố.

Do đó, việc Tập đoàn này điều chỉnh hạ mục tiêu lợi nhuận trong năm 2021 trong bối cảnh thị trường còn diễn biến khó lường cũng là điều dễ hiểu hơn.

Tương tự, tại các doanh nghiệp cao su khác cũng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2021 khá khiêm tốn. Đầu tháng 2/2021, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC) đã thông qua kế hoạch năm 2021 với mức lợi nhuận giảm gần 50% so với thực hiện trong năm 2020.

Trong năm 2021, TRC đặt kế hoạch doanh thu chỉ hơn 301 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 57 tỷ đồng, lần lượt giảm tới 29,6% và 48,8% so với thực hiện trong năm 2020.

Kế hoạch này được cho là khá thận trọng khi doanh thu thuần hợp nhất của TRC trong năm 2020 tăng 8,3% so với năm trước, đạt gần 362 tỷ đồng; lãi ròng gần 93 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2019.

Ngay tại các công ty cao su có lợi thế phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp - lĩnh vực kinh doanh “hái ra tiền” trong vài năm gần đây cũng đề ra kế hoạch kinh doanh thận trọng trong năm nay.

 

Công nhân chăm sóc vườn cao su trồng xen canh. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Công nhân chăm sóc vườn cao su trồng xen canh. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)


Tại Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR), Nghị quyết Hội đồng Quản trị công ty đã thông qua kế hoạch năm 2021 với tổng doanh thu công ty mẹ 1.921 tỷ đồng, lãi sau thuế 751 tỷ đồng; lần lượt giảm 15% và 35% so với thực hiện năm 2020.

Đây được xem là mức kế hoạch lợi nhuận thấp nhất của Cao su Phước Hòa kể từ thời điểm bắt đầu chuyển đổi đất làm bất động sản khu công nghiệp năm 2019.

Trong tài liệu dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông 2021, lãnh đạo PHR cho biết, mặc dù những tháng đầu năm giá bán mủ cao su khá cao và cổ tức từ 2 khu công nghiệp Tân Bình và Nam Tân Uyên vẫn duy trì mang lại lợi nhuận cao, tuy nhiên công ty vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh dự báo triển vọng nhu cầu nhiên liệu vẫn u ám trong năm 2021, PHR còn đối mặt với tình trạng vườn cây cao su già cỗi phải tiếp tục thanh lý, tình trạng thiếu lao động, thời tiết diễn biến thất thường, bệnh hại trên vườn cây khai thác.

Thêm vào đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19 ở những tháng đầu năm 2021 dự báo việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Những điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của công ty trong năm.

Nhận định chung về tình hình cao su nhiên liệu trong năm 2021 cho thấy, giá cao su sẽ phục hồi hỗ trợ mảng lợi nhuận cao su cho các doanh nghiệp, song diễn biến này chỉ diễn ra trong ngắn hạn và tình trạng dư cung vẫn tiếp diễn.

Theo báo cáo triển vọng ngành cao su trong năm 2021 của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), giá cao su được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2021, khoảng 32 - 33 triệu đồng/tấn, không thay đổi đáng kể so với mức giá năm 2020.

Điều này tiếp tục sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh mủ của các công ty cao su tự nhiên. Trong bối cảnh mảng kinh doanh chính là mủ cao su kém khả quan, các doanh nghiệp cao su đã chủ động thanh lý gỗ cao su và chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang kinh doanh khu công nghiệp.

Về thanh lý gỗ cao su, giá trị gỗ trong những năm gần đây đạt giá trị cao, đem lại nguồn lợi nhuận bù đắp cho các công ty cao su tự nhiên trong giai đoạn giá cao su giảm sâu. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và Hiệp định đối tác tự nguyện với EU (VPAFLEGT)… được cho là động lực chính giúp thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong thời gian tới.

Qua đó, nhu cầu xuất khẩu gỗ sẽ có tác động tích cực lên giá gỗ cao su, khiến giá gỗ cao su thanh lý duy trì ở mức cao trong năm 2021 với mức giá đạt khoảng 250 triệu đồng/ha, tăng 4% so với năm ngoái.

Đối với mảng kinh doanh khu công nghiệp, được xem là một trong những mảng hấp dẫn của các doanh nghiệp cao su trong thời gian gần đây. Căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển sản xuất ra các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong năm 2020 đã đẩy nhanh tiến độ này. Việt Nam trở thành điểm sáng và thu hút đầu tư, kéo theo nhu cầu thuê đất khu công nghiệp.

Các doanh nghiệp cao su với lợi thế có quỹ đất lớn, trải dài và vị trí thuận lợi. Vì vậy, các công ty cao su có chủ trương ưu tiên chuyển đổi diện tích cao su làm khu công nghiệp, vốn có hiệu quả sử dụng đất cao hơn.

Thực tế, một số công ty đã cắt một phần diện tích sang làm khu công nghiệp như Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa… và có tỷ lệ lấp đầy cao.

Do vậy, các chuyên gia của FTPS cho rằng, trong năm 2021 các doanh nghiệp trong ngành sẽ có sự phân hóa, hồi phục theo mô hình chữ K.

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất ra các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.

Theo Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm