Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp đồng loạt xin giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giao dịch đóng băng, ngân hàng siết tín dụng, chứng khoán liên tục đỏ sàn, trong khi phải gom một lượng lớn tiền mặt để mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Điều này đã khiến hầu hết các doanh nghiệp kiệt sức. Để tồn tại, doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ để không bị nhảy nhóm thành nợ xấu.

Gỡ khó cho doanh nghiệp, khách hàng

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland đã nhiều lần có tâm thư cũng như phát biểu trong các cuộc họp về việc kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn 2 - 3 năm và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án. Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10 - 20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.

"Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 14/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Novaland xin Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản 2 - 3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án. Doanh nghiệp chỉ xin hỗ trợ về cơ chế để tự vượt qua", ông Bùi Thành Nhơn kiến nghị.

Lãnh đạo Tập đoàn Novaland cũng kiến nghị Ngân hàng nhà nước có quyết sách cho các ngân hàng gia hạn và ân hạn những khoản nợ cho người mua nhà.

Nhiều kiến nghị ngân hàng hỗ trợ về tín dụng, lãi vay. Ảnh: Đình Sơn

Nhiều kiến nghị ngân hàng hỗ trợ về tín dụng, lãi vay. Ảnh: Đình Sơn

Cùng chung đề nghị này, ông Lê Trọng Khương, Phó chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết đến thời điểm này doanh nghiệp vẫn gồng để chưa bị nhảy nhóm nợ. Nhưng nếu không có chính sách hỗ trợ thì sớm muộn việc này cũng xảy ra. Do đó, các doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Hưng Thịnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu, giãn nợ để tránh nhảy nợ. Điều này đồng thời sẽ hỗ trợ cho việc giải ngân các khoản nợ tiếp theo để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Không những vậy, nó còn giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được các đối tác nước ngoài, các quỹ đầu tư để liên doanh, liên kết hoặc bán các dự án để thu hồi vốn, tái cơ cấu.

Đến hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản "từ lớn đến bé" trên cả nước đều chịu chung số phận dù tài sản có nhiều nhưng không thể chuyển hóa thành tiền mặt. Bên cạnh đó, dòng tiền bị "tắc" đã khiến các chi phí, nhất là các chi phí liên quan đến tài chính, tiền vay từ ngân hàng đã trở thành gánh nặng khiến họ có thể "chết" bất cứ lúc nào. Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, việc giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ là cấp bách.

Tháo tín dụng, gỡ chính sách

Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, của doanh nghiệp và cả của người mua nhà, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cân nhắc để doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn được giữ nguyên nhóm nợ, được khoanh nợ xấu đối với một số khoản nợ nhóm 2, nhóm 3 để có thể được vay vốn tín dụng mới đối với dự án bất động sản có đầy đủ pháp lý, có tài sản bảo đảm, có tính khả thi, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả lãi, trả nợ gốc.

"Khi doanh nghiệp nói chung gặp khó khăn, các ngân hàng lại có kết quả kinh doanh tươi sáng, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước trong suốt 3 năm Covid-19. Hy vọng các tổ chức tín dụng thấu hiểu và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp như những người cùng trên một con thuyền", ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Khi thị trường bất động sản ấm lên, doanh nghiệp hồi phục sẽ giúp lan tỏa đến các ngành kinh tế khác. Ảnh: Đình Sơn
Khi thị trường bất động sản ấm lên, doanh nghiệp hồi phục sẽ giúp lan tỏa đến các ngành kinh tế khác. Ảnh: Đình Sơn

Thực tế, Chính phủ đã có dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn trong đó đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng...). Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Ngoài ra, tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp... Bên cạnh đó, cần có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.

Ngoài tháo gỡ về tín dụng, nghị quyết cũng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi. Đặc biệt tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn các luật liên quan. Các luật Nhà ở (sửa đổi), luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), luật Đất đai (sửa đổi) được yêu cầu báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10.

Các địa phương đồng thời phải tập trung cải cách hành chính, đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư các dự án bất động sản. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức; bảo vệ người làm đúng nhằm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm... trong giải quyết công việc của một số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

Có thể bạn quan tâm