Xã hội

Doanh nghiệp Gia Lai chăm lo đời sống công nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thiên tai, dịch bệnh cộng với giá cả nông sản bấp bênh khiến cho tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn quan tâm, chăm lo đời sống của người lao động với phương châm “giúp người lao động là giúp chính mình”.
Giúp người lao động vượt qua khó khăn
Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) vào giờ tan ca khá tấp nập. Chị Phan Thị Phụng-công nhân Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang-chia sẻ: “Tôi thấy nhiều nơi doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp. Ở đây, thu nhập của chúng tôi có giảm do đơn đặt hàng ít, không tăng ca nhưng thời buổi này có việc làm đã là may mắn rồi”.
Điều khiến chị Phụng an tâm gắn bó với công việc là bởi sự quan tâm, chăm lo chu đáo từ phía doanh nghiệp. Biết hoàn cảnh chị Phụng khó khăn nên Công đoàn Công ty đều trích 1 phần kinh phí hỗ trợ cho gia đình. “Được Công ty thăm hỏi, động viên, tôi thấy rất ấm lòng. Những nhu yếu phẩm Công ty hỗ trợ giúp mẹ con tôi phần nào vơi bớt khó khăn”-chị Phụng bộc bạch.
Nhờ được Công ty quan tâm, chăm lo, chị Phụng ngày càng yên tâm gắn bó với công việc, ảnh A.H
Nhờ được Công ty quan tâm, chăm lo, chị Phan Thị Phụng-công nhân Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang ngày càng yên tâm gắn bó với công việc. Ảnh: Anh Huy
Bà Nguyễn Thị Hiền-cán bộ phụ trách Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang-cho biết: Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty thời gian qua bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Dù vậy, Công ty vẫn đảm bảo đầy đủ các chế độ cho người lao động, đặc biệt là không nợ lương, duy trì hỗ trợ 50% bữa ăn trưa, ăn tối (nếu có tăng ca). Công ty hiện có khoảng 70 công nhân, mức lương khoảng 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Vào các ngày lễ, Tết, Công ty đều tặng quà, thăm hỏi, động viên kịp thời.
Doanh nghiệp tư nhân Anh Khoa là đơn vị đầu tiên trong Khu Công nghiệp Trà Đa xây dựng nhà ở cho công nhân. 24 năm gắn bó với doanh nghiệp, ông Vũ Ngọc Thường trải lòng: “Gia đình tôi là hộ đầu tiên dọn vào dãy nhà tập thể. 12 năm qua, tôi chỉ phải trả mỗi chi phí tiền điện hàng tháng. Không tốn tiền thuê nhà, bữa cơm trưa được Công ty hỗ trợ hoàn toàn nên lương tháng cũng đủ để nuôi 2 con ăn học”. Đặc biệt, suốt 11 năm qua, ông Thường luôn được doanh nghiệp quan tâm, động viên và “đồng hành” trong việc điều trị căn bệnh ung thư gan.
Từng bước ổn định cuộc sống
Bị ảnh hưởng trực tiếp do tình hình kinh tế thế giới suy giảm, giá mủ cao su giảm sâu nhiều năm liên tục, song một số doanh nghiệp cao su trên địa bàn tỉnh vẫn thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động. Nhiều công ty duy trì hiệu quả việc xây nhà “Mái ấm Công đoàn” cho hộ công nhân nghèo khó khăn về nhà ở; hỗ trợ, thăm hỏi công nhân không may gặp rủi ro trong cuộc sống; hợp tác với công nhân cho mượn đất trồng xen các loại cây ngắn ngày, dài ngày trên diện tích vườn cây cao su tái canh.
Năm 2020 gia đình chị Chăn đã được hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm Công đoàn”. Ảnh: Đinh Yến
Năm 2020, gia đình chị Chăn được hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm Công đoàn”. Ảnh: Đinh Yến
Ông Nguyễn Đình Luyến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh-cho hay: Công ty duy trì hợp tác với người lao động trong việc nhận khoán diện tích cao su tái canh để trồng xen các cây ngắn ngày vừa giảm chi phí chăm sóc, vừa tạo điều kiện cho họ có thêm thu nhập. Công ty cũng tổ chức gặp gỡ, động viên con em người lao động chăm ngoan, học giỏi.
Công ty Cà phê Đak Đoa hiện có hơn 300 công nhân nhận khoán chăm sóc vườn cây. Công ty quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay với những công nhân khó khăn; thăm hỏi, động viên những công nhân, lao động không may mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị tai nạn.
Bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Từ Tết Tân Sửu 2021 đến nay, các cấp Công đoàn đã dành trên 9 tỷ đồng để tặng quà, hỗ trợ vật chất cho 43.594 lượt đoàn viên, người lao động. 
Được sự quan tâm của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, cuối năm 2020, gia đình chị Kpă Chăn-công nhân Nông trường Suối Mơ đã dọn vào ở ngôi nhà mới. “4 miệng ăn chỉ trông vào 1 suất lương công nhân nên mình không có khả năng làm nhà mới. Năm ngoái, nhờ Công ty hỗ trợ 50 triệu đồng, mình mượn thêm họ hàng 20 triệu đồng để làm nhà mới. Mình rất mừng vì vừa rồi đã trả hết nợ”-chị Chăn phấn khởi. 
Ông Trần Văn Tiến-Chủ tịch Công đoàn Công ty-cho biết: Từ nguồn kinh phí của Tập đoàn hỗ trợ, mỗi năm, Công ty xây dựng 2-3 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho những công nhân khó khăn về nhà ở. Công đoàn Công ty cũng phát động phong trào “Thi đua nước rút”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Vườn rau xanh Công đoàn” và các hội thi, hội thao để khuyến khích công nhân, người lao động hăng say lao động sản xuất và cải thiện đời sống.
Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Hàng năm, Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thanh-kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; thực hiện đúng quy định các chế độ, chính sách pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động và quản lý công nhân, lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật người nước ngoài hoạt động, làm việc tại tỉnh.
ĐINH YẾN-ANH HUY

Có thể bạn quan tâm