(GLO)- Thương mại điện tử là hướng đi tất yếu trong xu thế hội nhập vào thời kỳ công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, thời gian qua, đa phần doanh nghiệp ở Gia Lai vẫn chưa quan tâm đúng mức và chưa tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử.
Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh rất nỗ lực tạo điều kiện để các doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế của thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Hiệp hội còn vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức một số hội thảo liên quan tới thương mại điện tử cũng như liên kết với Công ty TNHH Công nghệ Atalink (TP. Hồ Chí Minh) để triển khai các giải pháp chuyển đổi số, kết nối cộng đồng doanh nghiệp.
Mặt khác, Hiệp hội còn giới thiệu thông qua app Lazada, Tiki, Shopee hay Sendo... để doanh nghiệp có thể giới thiệu, chào mời sản phẩm đến khách hàng nhanh, chính xác, góp phần đẩy mạnh việc kết nối, xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực quản trị.
Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho hay: “Thông thường, để sử dụng app, mỗi doanh nghiệp phải tốn chi phí 10 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty TNHH Công nghệ Atalink đã hỗ trợ cài đặt miễn phí cho 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, sau 2 tháng triển khai vẫn chưa tới 100 doanh nghiệp sử dụng app, dù là miễn phí”.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ký kết hợp tác với Công ty TNHH Công nghệ Atalink (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hà Duy |
|
Bà Tô Tiến Trâm-Giám đốc Công ty TNHH Marketing Toàn Cầu (Khu đô thị Cầu Sắt, TP. Pleiku) cho rằng, trong thời đại 4.0, bất cứ doanh nghiệp nào muốn quảng bá sản phẩm, khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường đều nhờ cậy đến digital marketing.
“Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều không coi chi phí cho công tác marketing là một khoản đầu tư mà chỉ nghĩ đơn giản bỏ tiền làm quảng cáo là phải bán được hàng ngay. Trong khi thông thường, kể từ khi bắt đầu đăng quảng bá sản phẩm trên mạng, phải trải qua chu kỳ ít nhất 3 năm để sản phẩm được định vị trong nhận thức của người tiêu dùng, lúc đó mới có thể bán được hàng, mở rộng thị trường”-bà Trâm nói.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2018, Chỉ số thương mại điện tử (EBI) của Gia Lai xếp thứ 43/54 tỉnh, thành được khảo sát với 30,1 điểm. Năm 2019, Gia Lai tụt xuống xếp thứ 45/54 với 31,8 điểm, còn năm 2020 thì xếp vị trí 46/55 với 32,3 điểm.
Chỉ số EBI có 4 chỉ số thành phần gồm: chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng; chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp; chỉ số giao dịch giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Xét riêng lẻ 4 chỉ số thành phần này trong năm 2020, tỉnh ta cũng có thứ hạng rất thấp so với 54 tỉnh, thành được khảo sát. Cụ thể, ở các chỉ số này, Gia Lai xếp lần lượt ở vị trí thứ 55/55, 37/55, 47/55 và 33/55.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hiện nay, thương mại điện tử không chỉ là phương thức mua sắm quen thuộc của người dân thành thị mà với cả người tiêu dùng khu vực nông thôn. Do đó, việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm qua mạng đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: chi phí thấp, mức độ phổ biến rộng...
Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh mới có khoảng trên 400 doanh nghiệp có website. Các website cũng còn rất sơ sài, thiếu thông tin. Thậm chí, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng có website http://hiephoidoanhnghiep.gialai.org.vn, là kênh để các doanh nghiệp trong tỉnh có thể quảng bá sản phẩm của mình, nhưng các doanh nghiệp cũng không tận dụng để đưa thông tin trên website này.
HÀ DUY