Kinh tế

Doanh nghiệp Gia Lai: Đón đầu xu thế hội nhập ASEAN

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức thành lập. Mặc dù AEC mở ra cơ hội hòa nhập toàn diện nhưng cũng đem đến những thách thức lớn. Để chuẩn bị hành trang hội nhập, cộng đồng doanh nghiệp Gia Lai đã và đang từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chế biến đá Granite. Ảnh. Đinh Yến
Chế biến đá Granite. Ảnh. Đinh Yến

Mặc dù chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, nhưng Công ty TNHH một thành viên Thanh Phong (Gia Lai) đã mạnh dạn thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Từ một đơn vị chuyên về phân phối các sản phẩm điện máy gia dụng, Công ty đã xây dựng riêng cho mình một thương hiệu điện máy độc quyền LiQ. Chia sẻ về bước đi chiến lược này, ông Lê Tuấn Thành-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thanh Phong cho biết: “Nếu chỉ đơn thuần là phân phối thì khi hội nhập Công ty sẽ khó đủ mạnh để cạnh tranh với các đối thủ. Vì vậy, năm 2014, sau khi tìm hiểu thị trường, Công ty đã đăng ký một thương hiệu riêng, độc quyền sản phẩm điện máy gia dụng LiQ. Quan trọng hơn, Thanh Phong mong muốn người tiêu dùng Việt Nam có thể sử dụng sản phẩm Việt đảm bảo chất lượng mà giá cả cạnh tranh. Cụ thể, giá một nồi cơm điện của LiQ chỉ khoảng 600.000 đồng nhưng chất lượng tương đương với những thương hiệu lớn giá từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng. Hơn nữa, với tiêu chí bảo hành tỷ lệ 3/1.000 (trong 1.000 sản phẩm chỉ có cho phép tối đa 3 sản phẩm lỗi), Thanh Phong đã xây dựng chế độ bảo hành liên tục, nâng cao chất lượng chương trình hậu mãi, chăm sóc khách hàng với quan điểm càng đông khách càng phục vụ tốt”.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp sản xuất lại tìm phương án thay đổi công nghệ phù hợp, tăng công suất, năng suất lao động, mở rộng thị trường sang các tỉnh khác để hạ giá thành sản xuất nhằm đón đầu xu thế cạnh tranh hội nhập. Theo ông Trương Quốc Duy-Giám đốc Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai thì Công ty đang hợp đồng với Hoàng Anh Gia Lai xuất khẩu đá xây dựng các tòa nhà của Hoàng Anh Gia Lai tại Myanmar. Tuy nhiên, Công ty đang chịu mức thuế tài nguyên môi trường 3,5 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/m3, cao hơn nhiều so với một số tỉnh lân cận (ví dụ: Bình Định thuế tài nguyên môi trường chỉ 2 triệu đồng đến 2,2 triệu đồng/m3)… Để hạ giá thành sản phẩm xuất khẩu, cạnh tranh với các nhà máy trong khu vực, bên cạnh việc thay đổi công nghệ, tăng công suất khai thác mỏ, Công ty đã mở rộng thị trường khai thác một số tỉnh khác có nhiều ưu đãi như Đak Lak.

 


Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.300 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (khoảng trên 90%), hoạt động đa ngành nghề. Hoạt động của doanh nghiệp tập trung vào các ngành thương mại-dịch vụ, xây dựng tư vấn thiết kế, công nghiệp chế biến…
 

Nếu như doanh nghiệp xuất khẩu vận dụng mọi khả năng để hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh trên thương trường quốc tế thì các công ty nhập khẩu lại tập trung vào việc lựa chọn đối tác phù hợp và nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng. Ông Võ Thanh Hùng-Giám đốc Công ty Gia Huy (thành viên Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tháng Giêng) tại thị trường Gia Lai cho biết: Công ty đang nhập khẩu và phân phối sàn gỗ JANMI (Malaysia) tại Việt Nam. Trong đó, Gia Lai và Kon Tum là 2 thị trường được Công ty đầu tư mạnh với nhiều sản phẩm tốt, thân thiện môi trường. Để đáp ứng xu thế hội nhập, Công ty đã xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp như giảm chi phí vận chuyển tối đa, phát triển đội ngũ công nhân lành nghề và nhân viên có trình độ; nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, Công ty đang nghiên cứu phương án hợp tác đầu tư với Malaysia để xây dựng một nhà máy sản xuất ván sàn công nghiệp thương hiệu JANMI tại Việt Nam.

Có thể nói, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng đang gặp phải đó là năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh để đương đầu với các đối thủ mạnh trên thế giới. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì rủi ro, thách thức lại càng nhiều bởi quy mô nhỏ và hạn chế về nguồn vốn, kinh nghiệm.

Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Gia Lai, theo Giám đốc Sở Công thương Gia Lai Bùi Khắc Quang thì các doanh nghiệp Gia Lai cần có sự vận động ngay từ chính nội lực của đơn vị. Không nên có tư tưởng xem hội nhập quốc tế là chuyện của Chính phủ, trông chờ vào hàng rào bảo hộ của Nhà nước. Bởi lẽ, Nhà nước chỉ tạo ra môi trường, cơ hội còn đối tượng chính sách để thực hiện chính là doanh nghiệp. Do đó, bản thân doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin để hội nhập, tích cực nâng cao chất lượng, uy tín và vị thế trên thương trường. Bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, chuẩn bị quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, xúc tiến thương mại… Sở sẽ nghiên cứu, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền những giải pháp thiết thực phù hợp với điều kiện Gia Lai, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững trong tình hình mới.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm