Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Gia Lai thiếu thông tin thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, các ngành chức năng đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu những thông tin cần thiết về thị trường, dẫn đến khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.



Nỗ lực kết nối thị trường cho doanh nghiệp

Kết nối cung cầu trong sản xuất và tiêu thụ nông sản góp phần hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa, giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy, thời gian qua, các sở, ngành của tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: “Sở đã phối hợp với Sở Công thương tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước cho doanh nghiệp. Nhờ đó, một số mặt hàng nông sản đã bán được giá cao, đem lại lợi nhuận khá lớn. Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập danh sách đơn vị, cá nhân, hợp tác xã sản xuất và chế biến hàng nông sản, thủy sản cung cấp cho Sở Công thương để kết nối với các đơn vị trung gian, doanh nghiệp, hợp tác xã, tỉnh bạn nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm”.

 Sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) trưng bày tại lễ hội nông sản địa phương. Ảnh: H.D
Sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) trưng bày tại lễ hội nông sản địa phương. Ảnh: H.D



Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin thị trường trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Tấn Lực-Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công thương) cho biết: “Sở đã mời doanh nghiệp tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hội nghị, hội thảo; thông báo kế hoạch xúc tiến thương mại do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) chủ trì... Sở cũng đã ký hợp đồng với Cổng thông tin thị trường nước ngoài (www.vietnamexport.com) để cung cấp thông tin thị trường về hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cập nhật thường xuyên trên website tại địa chỉ http://sct.gialai.gov.vn”.

Ông Lực cho biết thêm, Sở Công thương đã cung cấp và kết nối thông tin cho các tổ chức, cá nhân có những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương để giao thương với nhau nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, ưu tiên những sản phẩm nằm trong Chương trình OCOP. Cùng với đó, Sở vận động doanh nghiệp phát triển hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ xây dựng website cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Đến nay, Sở đã hỗ trợ xây dựng được 66 website cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Vẫn thiếu thông tin thị trường

Thông tin thị trường chính là yếu tố đầu tiên giúp doanh nghiệp có cơ sở định hướng đúng trong sản xuất kinh doanh. Thông tin thị trường không phải là đi tìm khách hàng cụ thể mà để đánh giá khách hàng, tiềm năng của khách hàng. Qua đó, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng ở từng thời điểm để tập trung sản xuất kinh doanh hợp lý và hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp rất cần thông tin thị trường để tăng cơ hội đầu ra cho sản phẩm của mình 2
Doanh nghiệp rất cần thông tin thị trường để tăng cơ hội đầu ra cho sản phẩm của mình. Ảnh: Hà Duy



Mặc dù đã được các sở, ngành tích cực hỗ trợ song vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa tiếp cận được những thị trường lớn, ổn định. Bà Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) cho biết: “Bên cạnh các sản phẩm hồ tiêu được Control Union cấp chứng nhận hữu cơ USDA (Mỹ) và EU, chúng tôi còn sở hữu khá nhiều sản phẩm có chất lượng khác như: khoai mật Lệ Chí, măng le Lệ Chí, cà phê Đak Yang, măng tây hạt tròn, gà thả đồi ăn thảo dược… Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn khó tìm đầu ra. Đa phần thị trường cũng như khách hàng mà Hợp tác xã có được là nhờ “tự bơi”. Chúng tôi tìm thông tin thị trường bằng cách lên mạng internet, giới thiệu sản phẩm qua mạng xã hội hoặc tham gia các hội, nhóm như: Hiệp hội Hồ tiêu, Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp…”.

Tương tự, đối với cơ sở sản xuất, chế biến cà phê hữu cơ Nguyễn Hân coffee farm (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ), tuy quy mô hoạt động còn nhỏ nhưng thông tin thị trường cũng mang tính sống còn. Chủ cơ sở Nguyễn Hân coffee farm cho biết: “Từ việc trồng cà phê theo hướng hữu cơ rồi thu hoạch, chế biến, chúng tôi đều tự mày mò học hỏi. Tới khi cho ra sản phẩm cà phê bột đóng gói, chúng tôi lại tự mày mò tìm đầu ra. Tôi đã phải gõ cửa từng quán cà phê để họ dùng thử sản phẩm của mình, không ngại gửi chỉ vài ký cà phê đi tỉnh khác khi khách đặt hàng qua mạng xã hội Facebook. Sản phẩm cà phê hiện tại khá nhiều, tính cạnh tranh rất cao nên điều tôi mong mỏi nhất chính là được hỗ trợ thông tin về thị trường để sản phẩm của mình có nhiều cơ hội đến với người tiêu dùng”.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-đề xuất: “Để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, các doanh nghiệp mong tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, kể cả Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tích cực phát động các đợt cao điểm tuyên truyền, vận động, nâng cao sức tiêu thụ cho nông sản địa phương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong tỉnh bằng cách tăng cường đưa sản phẩm nông sản vào các siêu thị. Hàng năm, các sở, ngành cần tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại ra tỉnh ngoài. Trước mắt, cần quảng cáo rộng rãi để thương hiệu nông sản địa phương được biết tới nhiều hơn”.

 

 HÀ DUY





 

Có thể bạn quan tâm