Kinh tế

Doanh nghiệp Gia Lai tìm kiếm thị trường xuất khẩu trực tiếp mật ong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã liên kết với nông dân sản xuất, tiêu thụ mật ong để tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay, mặt hàng mật ong chủ yếu bán thô qua các doanh nghiệp trung gian nên giá trị chưa cao. Để nâng cao giá trị, ngành chức năng và các doanh nghiệp, HTX đang nỗ lực xúc tiến, tìm kiếm thị trường xuất khẩu trực tiếp.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ mật ong

Với hơn 98.700 ha cà phê, hơn 88.000 ha cao su, hơn 23.300 ha điều, Gia Lai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, nghề nuôi ong chủ yếu vẫn là tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Để nâng cao giá trị, hiệu quả ngành sản xuất này, hướng đến xuất khẩu, những năm gần đây, tỉnh chủ trương triển khai các mô hình ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật nuôi, khai thác và chế biến mật ong xuất khẩu; thực hiện liên kết theo chuỗi; xây dựng các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm…

Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được trên 96.200 đàn ong, đồng thời đã xây dựng được 11 sản phẩm mật ong đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, 1 chuỗi liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng 250 tấn mật ong/năm.

Các sản phẩm mật ong của Gia Lai ngày càng được thị trường nước ngoài ưa chuộng nhưng việc xuất khẩu đều phải thông qua bên thứ ba. Ảnh: Vũ Thảo

Các sản phẩm mật ong của Gia Lai ngày càng được thị trường nước ngoài ưa chuộng nhưng việc xuất khẩu đều phải thông qua bên thứ ba. Ảnh: Vũ Thảo

Hợp tác xã Mật ong Phương Di Ia Grai là đơn vị đi đầu liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các hộ nuôi ong. Hợp tác xã đã liên kết được với 100 hộ, chủ yếu ở các huyện Ia Grai, Đak Đoa, Đức Cơ. Trong đó, 10.000 đàn ong được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP (chiếm khoảng 20% tổng đàn của các hộ liên kết).

Giám đốc HTX Trần Thị Hoàng Anh chia sẻ: “Sản lượng mật ong của HTX cung cấp ra thị trường hàng năm đạt khoảng 500 tấn. Ngoài một ít sản lượng được chế biến thành phẩm và xây dựng thương hiệu thì phần lớn là bán thô cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư nhà xưởng với các máy móc thiết bị tiên tiến, riêng máy tách thủy phần có quy mô công suất 150 tấn/tháng”.

Trong khi đó, Công ty TNHH Nuôi và Xuất nhập khẩu ong mật Gia Lai (huyện Ia Grai) đang xây dựng chuỗi liên kết với bà con nông dân trên địa bàn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để tạo lợi thế cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm. Hiện Công ty có các dòng sản phẩm như: mật ong hoa cà phê, mật ong lá cao su, mật ong hoa keo, sữa ong chúa, phấn hoa…

Ông Lê Văn Dân-Giám đốc Công ty-cho hay: Công ty đã liên kết được với khoảng 40 hộ dân trên địa bàn, quy mô mỗi hộ 200-400 đàn ong. Trước đây, sản lượng hàng thô bán cho một số doanh nghiệp lớn ở TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu sang Mỹ đạt 300-500 tấn/năm. Khoảng 2 năm nay, sản lượng xuất khẩu giảm nhiều do thuế suất áp rất cao nên giá không thể cạnh tranh được với một số nước, điều này gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp.

“Thời điểm ổn định, Công ty trữ đến 1.000 tấn hàng trong kho. Nhưng giờ thị trường không ổn định nên lượng dự trữ chỉ còn ít. Năm nay, thời tiết thất thường nên đàn ong phát triển chậm. Giá xuất khẩu cũng liên tục biến động, hiện dao động ở mức 1.500-2.000 USD/tấn tùy loại mật và chất lượng. Trước mắt, Công ty vẫn xuất qua trung gian vì thủ tục để xuất khẩu trực tiếp cũng như các giấy tờ, điều kiện liên quan khá phức tạp mà một doanh nghiệp nhỏ chưa thể đáp ứng được. Tuy nhiên, trong tương lai, Công ty hướng đến việc hoàn thiện để có đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp”-ông Dân thông tin.

Hướng đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng

Thực tế, khoảng 80% sản phẩm mật ong của Gia Lai là phục vụ xuất khẩu. Nhưng hiện nay, tỉnh vẫn chưa có đơn vị nào xuất trực tiếp mà đều thông qua bên thứ ba. Việc xuất thô giá trị rất thấp trong khi chế biến thành phẩm với thương hiệu rõ ràng thì giá trị được nâng cao gấp 4-5 lần. Hiện thị trường tiêu thụ mật ong chính vẫn là các nước phát triển như: Mỹ và châu Âu…

Các nước nhập khẩu đều áp dụng phòng vệ thương mại, gia tăng hàng rào kỹ thuật với mặt hàng mật ong. Đây đang là thách thức lớn đối với ngành ong mật Gia Lai, bởi hiện nay, quy mô sản xuất chủ yếu là nông hộ nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết theo chuỗi. Bên cạnh đó, người dân nuôi ong theo kiểu du mục, đưa ong đi khắp nơi nên quy trình nuôi cũng như vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khó được quản lý chặt chẽ, dẫn đến chất lượng nhiều lô hàng chưa đạt.

Hợp tác xã mật ong Phương Di Ia Grai ký kết với hợp tác với Công ty Akira Japan để cung ứng mật ong. Ảnh: Vũ Thảo

Hợp tác xã mật ong Phương Di Ia Grai ký kết với hợp tác với Công ty Akira Japan để cung ứng mật ong. Ảnh: Vũ Thảo

Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho rằng: Gia Lai có rất nhiều sản phẩm mật ong chất lượng tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao, trong đó, nhiều sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP…

Qua công tác xúc tiến thương mại cho thấy, các sản phẩm mật ong chất lượng tốt bước đầu đã xuất khẩu được ra nước ngoài. Để hỗ trợ người sản xuất tìm kiếm thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ mật ong, ngành Công thương đã tạo điều kiện cho nhà sản xuất tham gia các chương trình kết nối giao thương, hội chợ triển lãm ở Lào. Đầu tháng 4 tới, Sở Công thương mời và hỗ trợ 1 HTX mật ong tham gia đoàn giao dịch thương mại tại Singapore. Đây là cơ hội rất tốt để các chủ thể sản xuất từng bước tiếp cận đối tác nước ngoài.

Theo Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Ia Grai, qua các lần tiếp xúc với đối tác nước ngoài, HTX đã tìm hiểu được thị hiếu tiêu dùng để sản xuất hàng đáp ứng tiêu chuẩn cho thị trường. Tháng 11-2022, HTX được hỗ trợ tham gia Hội chợ triển lãm “Chào mừng năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào 2022” tại thủ đô Vientiane (Lào). Thông qua hội chợ, HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm, có cơ hội kết nối, giao lưu với các doanh nghiệp Lào. Từ đó đến nay, HTX đã đưa 4 đợt hàng sang Lào.

Hay trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, HTX đã ký kết hợp tác với Công ty Akira Japan để cung ứng mật ong. Hai bên đã làm việc về chuyển giao công nghệ để sản xuất theo đơn đặt hàng của họ. Xác định Nhật Bản là thị trường khó tính, rất khó thâm nhập nhưng khi HTX gửi những mẫu thành phẩm sang, đối tác rất ưng ý. Đầu tháng 4 tới, nếu được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) và thương vụ Việt Nam tại Singapore hỗ trợ kết nối với các đối tác tiềm năng thì đây là cơ hội để HTX đưa hàng xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này.

“Để xuất khẩu trực tiếp, vấn đề cần nhất là có môi trường tiếp xúc với đối tác nhập khẩu để vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa hoàn thiện sản phẩm đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đối tác, từ đó phát sinh các đơn hàng. Vì vậy, HTX rất mong muốn được ngành chức năng hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước để có cơ hội tiếp cận các đối tác nước ngoài và xuất khẩu trực tiếp. Nếu xuất khẩu được hàng thành phẩm đã xây dựng thương hiệu sẽ nâng cao giá trị sản phẩm mật ong lên gấp 4-5 lần so với xuất thô nguyên liệu qua kênh trung gian như lâu nay”-Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Ia Grai cho hay.

Có thể bạn quan tâm