Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Gia Lai trông chờ nguồn vốn ưu đãi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đã hơn 2 tháng kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất 2% để đối tượng vay tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh đang nóng lòng chờ vốn ưu đãi từng ngày, mong chính sách sớm triển khai thực hiện.  

Chờ ngày triển khai

Trước thông tin Chính phủ có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất 2%/năm trong 2 năm (2022-2023), ông Đỗ Đình Trung-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hoàng Dũng Gia Lai-cho rằng: Đây là chính sách hỗ trợ rất thiết thực đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là trong thời điểm khó khăn này. Công ty cũng như nhiều doanh nghiệp khác rất phấn khởi bởi vì ai nấy cũng đang trong giai đoạn khó khăn và đều có nhu cầu vay vốn để mở rộng đầu tư, phục hồi sản xuất kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Mong ngóng là vậy, nhưng đến nay, hầu như chưa có doanh nghiệp nào được tiếp cận nguồn vay ưu đãi này. Thậm chí, có doanh nghiệp còn mù mờ thông tin về thời điểm chính sách được triển khai. “Thông tin này khiến doanh nghiệp chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, điều kiện cần và đủ như thế nào, những hướng dẫn cụ thể về quy trình thủ tục ra sao để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này thì chưa có động thái hướng dẫn gì từ phía ngân hàng. Chúng tôi băn khoăn rằng liệu những doanh nghiệp vừa và nhỏ có được tiếp sức để vượt khó hay chỉ là những doanh nghiệp lớn mới đủ điều kiện vay vốn ưu đãi”-ông Trung nêu quan điểm.

 Hiện cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang nóng lòng chờ chính sách hỗ trợ lãi suất sớm triển khai thực hiện. Ảnh: Đức Thụy
Hiện cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang nóng lòng chờ chính sách hỗ trợ lãi suất sớm triển khai thực hiện. Ảnh: Đức Thụy


Cùng suy nghĩ này, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Cà phê Classic-nhận định: “Đón nhận thông tin này, chúng tôi rất vui mừng. Hy vọng nghị quyết thiết thực này nhanh chóng đi vào thực tiễn. Việc hỗ trợ lãi vay ngay thời điểm này rất cần cho doanh nghiệp để đầu tư khôi phục sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi dò hỏi thì đến nay các ngân hàng trên địa bàn chưa có thông tin hay hướng dẫn gì. Trong khi đó, hầu hết nguyên vật liệu đầu vào liên tục tăng giá làm đội chi phí sản xuất lên rất cao, tạo gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Nếu không “cởi mở” điều kiện tín dụng thì sẽ gây khó cho doanh nghiệp khi muốn tiếp cận nguồn vốn”.

Chứng thực lời mình nói, ông Lâm gọi điện cho một cán bộ tín dụng ngân hàng thì được trả lời đang chờ hướng dẫn cụ thể, còn khi nào triển khai thì chưa rõ. “Doanh nghiệp là đơn vị thụ hưởng nhưng khó tiếp cận, lại còn lo ngại vấn đề thủ tục rườm rà thì làm sao khôi phục sản xuất mang tính nền tảng, bền vững được. Thời điểm khó, doanh nghiệp lấy đâu tài sản bỏ ra để vay vốn, chỉ mong phía ngân hàng xem xét nới thêm trần hạn mức tín dụng đối với tài sản đã thế chấp của doanh nghiệp để đồng hành vượt khó trong quá trình chờ có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ”-ông Lâm đề nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho biết: Phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ; đồng thời đang tham gia hoàn thiện dự thảo về nghị định hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước thông qua các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. “Khi có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể, chúng tôi sẽ có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai chính sách hỗ trợ một cách kịp thời”-ông Nghị khẳng định.

Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội-Chi nhánh tỉnh-cho biết: Đến nay, đơn vị đã tổng hợp nhu cầu vốn tín dụng chính sách triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ trong năm 2022 và 2023 đối với các chương trình như: cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025… dự kiến hơn 974 tỷ đồng. “Khi có hướng dẫn và giao nhiệm vụ cụ thể chúng tôi sẽ triển khai ngay”-ông Chí nhấn mạnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Theo ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động kèm theo chương trình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức, triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp, các chính sách quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP; đồng thời làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và người dân về các cơ chế, chính sách, giải pháp về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Chương trình phòng-chống dịch Covid-19 (2022-2023); phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Đặc biệt là chủ động nắm bắt và tháo gỡ nhanh chóng các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy định pháp luật liên quan tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đề xuất kịp thời phương án giải quyết; phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể giữa cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện môi trường kinh doanh; thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; đơn giản hóa quy trình, thủ tục và thực hiện tối đa các thủ tục được giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư chi tiết trên địa bàn cấp huyện và tích cực kêu gọi, xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

 Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Ảnh: Vũ Thảo
Người dân mua hàng tại cửa hàng của Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Tam Ba dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Ảnh: Vũ Thảo


Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Sở Tài chính-cho rằng: Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo chủ trương của Chính phủ, năm 2022, toàn tỉnh sẽ giảm thu ngân sách khoảng 620 tỷ đồng. Đây là một trong những nhiệm vụ nặng nề nhất đối với việc hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2022. Tuy nhiên, việc thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm thuế của Chính phủ cũng tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có điều kiện phục hồi kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách miễn giảm thuế của Chính phủ còn tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức cá nhân có cơ hội phục hồi. “Đây là giải pháp vừa mang tính ổn định lâu dài, vừa duy trì tốc độ tăng trưởng của kinh tế, vừa giải quyết vấn đề an sinh xã hội gắn với việc tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách”-Giám đốc Sở Tài chính nhận định.

Tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II-2022, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở, ngành triển khai các giải pháp thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. “Giảm bớt áp lực cho người dân, doanh nghiệp cũng chính là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy nhanh việc mở rộng quy mô sản xuất, giúp các nguồn thu tăng lên để bù đắp các khoản hụt thu vì thực hiện các chính sách miễn, giảm. Cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất là những tác động tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới, khuyến khích doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trở lại; linh hoạt tổ chức sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để không gây cản trở doanh nghiệp phát triển”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

 

 MINH TRIỀU - LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm