Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Gia Lai vượt khó hỗ trợ người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dịch Covid-19 kéo dài khiến không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm ngừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn đến một bộ phận không nhỏ người lao động bị mất việc làm hoặc ngưng việc tạm thời. Sự hỗ trợ kịp thời của các doanh nghiệp được coi là “phao cứu sinh” cho người lao động trong mùa dịch.

 

Doanh nghiệp lao đao

Là một trong những doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai thực sự lao đao do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông Nguyễn Văn Lâm-Phó Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: “Quý I-2020, doanh thu của Công ty giảm gần 80% so với khi không có dịch. Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/UBND ngày 27-3-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh, Công ty đã đóng cửa tạm ngừng hoạt động kinh doanh các nhà hàng, dịch vụ cà phê, massage.

Công nhân làm việc tại Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Công nhân làm việc tại Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đ.T

Tiếp đó, từ ngày 1-4, Công ty đóng cửa tạm ngừng hoạt động thêm 3/4 khách sạn. Hiện chỉ còn Khách sạn Pleiku-nơi có trụ sở Công ty hoạt động cầm chừng với lượng khách chưa đầy 10% công suất phòng. Dự báo những tháng tới, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì Công ty sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn”. Cũng theo ông Lâm, đến cuối tháng 3-2020, Công ty có tổng cộng 145 lao động dài hạn và thời vụ làm việc tại các cơ sở kinh doanh. Hiện nay, chỉ còn 10 lao động làm việc luân phiên bán thời gian tại văn phòng Công ty và Khách sạn Pleiku. Số còn lại đã phải tạm ngưng việc sau khi các cơ sở kinh doanh tạm ngừng hoạt động.

Công ty TNHH một thành viên Ấn Phụng (làng Glung B, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) là doanh nghiệp có 12 năm chuyên kinh doanh nhiên liệu rắn, lỏng, khí và thu mua các loại nông sản nhưng hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Ấn-Giám đốc Công ty-cho hay: “Chưa bao giờ doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng khó khăn như hiện tại. Chúng tôi phải cho hơn một nửa số lao động nghỉ việc vì mảng thu mua nông sản hoàn toàn ngừng hoạt động. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, doanh nghiệp bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu, chúng tôi đang cố gắng chống chọi để vượt qua. Có điều, đối với những người lao động, chúng tôi thực sự suy nghĩ rất nhiều vì hầu hết họ đều khó khăn, thu nhập chỉ dựa vào đồng lương”. 

Nỗ lực vì người lao động

Không chỉ Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai hay Công ty TNHH một thành viên Ấn Phụng mà hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều lao đao do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-đánh giá: “Hầu hết doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch đều bị thiệt hại nặng nề khi các hoạt động gần như ngừng hoàn toàn. Những doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực khác thì đang trong tình trạng cầm chừng do ảnh hưởng chung. Điều đáng trân trọng là nhiều doanh nghiệp tuy đang rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng hỗ trợ người lao động, nhất là những người buộc phải nghỉ việc”.

 Công ty TNHH một thành viên Mật ong T-BEE (huyện Chư Pah) chỉ giữ lại một số ít lao động làm việc trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: K.L
Công ty TNHH một thành viên Mật ong T-BEE (huyện Chư Pah) chỉ giữ lại một số ít lao động làm việc trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: K.L



Tuy gặp khó khăn nhưng Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai rất quan tâm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông Lâm cho hay: “Mặc dù doanh thu chỉ đạt hơn 20% so với những tháng không có dịch nhưng Công ty đã phải tìm mọi giải pháp, kể cả việc vay vốn của tổ chức, cá nhân cùng với tiền hỗ trợ của Nhà nước để chi trả cho người lao động đảm bảo 80-90% mức lương được hưởng, giúp cán bộ, nhân viên vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ngoài hỗ trợ cho người lao động trong đơn vị, Công ty còn dành 5 tấn gạo (chia thành 1.000 phần) để hỗ trợ những người gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 ở địa phương”.

Chị Hoàng Thị Thu Hà là một trong những nhân viên của Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai đang phải tạm nghỉ việc. Chị Hà cho biết: “Tôi rất hiểu những khó khăn hiện tại của Công ty. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Điều tôi vui mừng là mặc dù tạm nghỉ việc nhưng vẫn được Công ty hỗ trợ tiền lương hàng tháng để cuộc sống gia đình không bị ảnh hưởng nhiều”.

Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai thực sự lao đao do dịch covid-19. Ảnh: Hà Duy
Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai thực sự lao đao do dịch covid-19. Ảnh: Hà Duy



Công ty TNHH một thành viên Mật ong T-BEE (thôn 7, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) cũng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty gần như đình trệ hoàn toàn. Công ty cũng không thể dịch chuyển số lượng đàn ong đến khu vực có nguồn mật. Trong tình hình này, Công ty đã cho nghỉ gần hết số lao động. Tuy vậy, để giúp người lao động bớt khó khăn, Công ty vẫn cố gắng hỗ trợ mỗi trường hợp tạm nghỉ việc 1 triệu đồng/tháng cùng với một số nhu yếu phẩm cần thiết khác. Hay Công ty TNHH một thành viên Ấn Phụng trong 2 tháng qua đã hỗ trợ lương cho các lao động phải nghỉ việc với số tiền 1,5 triệu đồng/người/tháng và cam kết khi hết dịch sẽ tiếp tục thuê những người này làm việc.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, các sở, ngành đã có nhiều động thái mang tính hỗ trợ kịp thời và sát sườn. Ông Trần Văn Lực-Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh-cho biết: Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động thì tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tạm dừng việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch trong quý I và II; chỉ tiến hành thanh-kiểm tra những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ ngày 31-12-2019 trở về trước.

 

Kim Linh


 

Có thể bạn quan tâm