Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp liên minh để tăng sức mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong thời buổi cạnh tranh khắc nghiệt, những sự hợp tác phù hợp sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên và tác động tích cực đến nền kinh tế
Thông báo sáp nhập giữa 2 "tỉ phú đô-la" vừa phát ra đã nhận được nhiều phản ứng khác nhau từ giới kinh doanh bán lẻ lẫn chuyên gia kinh tế. Các chuyên gia nhìn nhận mặt tích cực của cuộc sáp nhập, đồng thời mong muốn thị trường có thêm những cuộc hợp tác tương tự để tăng sức mạnh cho doanh nghiệp (DN) Việt.
Đại gia phố núi "sống lại" nhờ hợp tác
Một năm trước, cuộc bắt tay của 2 tên tuổi lớn là Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO) và Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã nổi lên nhiều lo ngại, nhưng đến nay THACO với chiến lược hợp tác đặc biệt đã cứu HAGL từ bờ vực "phá sản" có thể thu xếp vốn đầu tư nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Trong lễ kỷ niệm 1 năm hợp tác chiến lược giữa THACO và HAGL tháng 9 vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, cho rằng khi việc hợp tác mới được khởi động, nhiều người hoài nghi về mối quan hệ và những cam kết này. Bởi lẽ, thời điểm đó, HAGL rơi vào khủng hoảng trầm trọng, đối mặt với vô vàn khó khăn, mất thanh khoản, mất khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn.
 
Hệ thống phân phối của Vinmart đang trải rộng cả nước Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, sau một năm, với việc THACO rót cho HAGL 22.000 tỉ đồng, 2 DN đã chứng minh lối đi đó là đúng hướng thông qua những thành quả sống động đã đạt được. Nhờ nguồn tài chính từ THACO, Công ty CP Nông nghiệp quốc tế HAGL (HNG - công ty con của HAGL) đã chuyển đổi và phát triển vườn cây ăn trái, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của phía THACO về quy hoạch thủy lợi, giao thông, kho bãi… cũng như giải pháp cơ giới hóa quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch cho từng loại cây ăn trái, trước mắt là chuối. Tại Chu Lai (Quảng Nam), THACO đã phát triển chuỗi giá trị logistics với dịch vụ vận tải nông nghiệp chuyên dụng phục vụ cho việc xuất khẩu trái cây.
Về mặt quản trị, với vai trò là cổ đông lớn có 35% cổ phần, THACO đã hỗ trợ HNG tái cấu trúc toàn diện, bổ sung nhân sự lãnh đạo của THACO vào HĐQT và ban tổng giám đốc HNG để cùng quản trị, điều hành. "Đặc biệt, do 2 tập đoàn có văn hóa tương đồng và THACO có thế mạnh về quản trị công nghiệp, chuyên ngành về cơ khí, cơ giới nên đã tạo ra luồng sinh khí và năng lượng mới trong sản xuất - kinh doanh, gia tăng tiềm lực của HNG, củng cố hơn nữa tinh thần đoàn kết, tận tụy cống hiến và gắn bó lâu dài trong DN" - "bầu" Đức nói.
Ông Đoàn Nguyên Đức trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động đã gọi THACO là "con tàu lớn" và nhấn mạnh chỉ tàu lớn mới có thể cứu được một con tàu lớn khác đang ngập chìm trong nợ nần. "Chỉ có THACO mới đủ tiềm lực về vốn, công nghệ và quản trị để vực dậy HAGL. Cái tôi cần là quản trị nhưng phải là quản trị của DN lớn, đã có thành công và cần đối tác đồng hành. Trong khi đó, THACO có những yếu tố quan trọng nhất định như tiền "tươi" và quản trị" - ông Đoàn Nguyên Đức phân tích.
Phải hành động và học hỏi
Cú bắt tay giữa THACO và HAGL có thể được coi là điển hình cho các cuộc liên minh giữa các DN lớn của Việt Nam. Thay vì "bán mình" cho nước ngoài hoặc chịu phá sản, những sự hợp tác phù hợp, có tính toán sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên, đồng thời cũng tác động tốt đến nền kinh tế nói chung.
Chẳng hạn, không chỉ cứu HAGL mà sự hợp tác này còn giúp THACO theo đuổi được chiến lược đầu tư nông nghiệp quy mô lớn, chuyên biệt loại cây trồng và hình thành chuỗi giá trị. Tất nhiên, không phải bất cứ cuộc hợp nhất nào cũng đem lại kết quả tốt đẹp mà phải có chiến lược cẩn trọng khi bắt tay nhau, trong đó quan trọng nhất là năng lực tài chính cũng như văn hóa kinh doanh, lĩnh vực liên kết phù hợp.
Năm 2017, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam từng đề xuất Chính phủ thành lập một tập đoàn bán lẻ trên cơ sở liên kết của 4 đại gia hàng đầu trong nước lúc đó là Saigon Co.op, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tập đoàn Phú Thái (PhuThai Group). Tuy nhiên, liên doanh này không thành, PhuThai Group đã rơi vào tay Tập đoàn TCC của Thái Lan.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại này. Ngoài vướng mắc từ cơ chế, chính sách thì việc các DN không tìm được tiếng nói chung cũng là yếu tố quan trọng. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, từng kỳ vọng sự ra đời của 1 tập đoàn đa sở hữu về bán lẻ sẽ mở được đầu ra cho hàng Việt, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho khối bán lẻ nội địa trong mối tương quan với các DN bán lẻ ngoại.
Cũng cần nhắc lại là trước đó, năm 2007, 4 "ông lớn" nói trên đã hùn vốn thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA), mục đích để tập hợp cơ sở vật chất, hệ thống mặt bằng, vốn, kinh nghiệm, thị trường, hàng hóa… của "bộ tứ" để làm đối trọng ngăn chặn ý đồ thâu tóm hệ thống phân phối, logistics tại Việt Nam của các nhà đầu tư ngoại. Tiếc là VDA đã không thành công do cơ chế chính sách không đồng bộ dẫn đến DN không hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Liên minh tan rã do Satra và Hapro phải thoái vốn theo chủ trương không cho đầu tư ngoài ngành.
Theo chuyên gia kinh tế - thương hiệu Võ Văn Quang, việc hợp tác, mua bán sáp nhập giữa các DN phải diễn ra từ sự tự nguyện của các bên. Mỗi bên phải thấy và nhận được quyền lợi của mình thì liên minh/liên kết đó mới phát triển. Có những liên kết thành công nhưng cũng không ít cuộc thất bại, quan trọng là DN phải thử, hành động và học hỏi từ thành bại đó.
Hiện cơ chế chính sách cho mô hình hợp tác đã đầy đủ, thông thoáng hơn nhưng vẫn còn nhiều rào cản đối với các DN nhà nước. "Các công ty quản lý quỹ của nhà nước chủ yếu quản lý vốn, chứ chưa chủ động kinh doanh. Trong khi đó, các công ty quản lý quỹ của Singapore kinh doanh rất tốt, hỗ trợ rất nhiều cho DN lẫn kinh tế Singapore. Việt Nam có thể học hỏi cách làm của họ" - ông Võ Văn Quang gợi ý. 
Khai thác lợi thế cạnh tranh
Theo một chuyên gia kinh tế, mảng bán lẻ ở thị trường Việt Nam hấp dẫn và còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển. Thương vụ sáp nhập Vinmart, Vinmart+ của Vingroup vào Tập đoàn Masan là tín hiệu tốt, giúp tăng năng lực cạnh tranh của DN Việt trong cuộc cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Phân tích sẽ thấy, thời gian qua Masan đang làm quá tốt trong lĩnh vực bán lẻ nên sáp nhập thêm chuỗi hệ thống cửa hàng, siêu thị Vinmart, Vinmart+ vào sẽ khai thác hết lợi thế cạnh tranh...
T.Phương
Vinmart, Vinmart+ tạm ngưng nhập hàng
Ngày 4-12, một số nhà cung cấp đang bán hàng cho Vinmart, Vinmart+ cho biết đang khốn đốn vì VinCommerce (chủ quản 2 chuỗi này) đột ngột thông báo ngưng nhập hàng để kiểm kê.
Theo giám đốc một DN sản xuất thực phẩm tại TP HCM, sáng 2-12, công ty của bà bất ngờ nhận được thông báo khẩn từ VinCommerce là tạm ngưng đặt hàng, nhập hàng ngay trong ngày và toàn bộ các đơn hàng đã đặt nhà cung cấp chưa giao sẽ được tạm ngưng cho đến khi có thông báo nhận hàng tiếp theo. Lý do đưa ra là "toàn chuỗi có lệnh tổng kiểm kê". Điện thoại cho họ thì được thông báo miệng là hệ thống Vinmart tạm ngưng đặt hàng nhưng một số cửa hàng Vinmart+ nếu có nhu cầu sẽ đặt hàng trở lại, tuy nhiên đến chiều cùng ngày không có cửa hàng Vinmart+ nào liên hệ đặt hàng. "Thông báo để "nhà cung cấp xử lý hàng hóa" trong giai đoạn họ kiểm kê và "mong nhận được sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp" nhưng chúng tôi thiệt hại nặng vì phải bán đổ bán tháo lượng hàng, lẽ ra giao cho họ" - vị giám đốc này bức xúc.
Sau thông báo tạm ngưng nhập hàng, ngày 3-12, VinCommerce có thông báo chính thức về việc sáp nhập Vinmart, Vinmart+ vào Masan. Trong thông báo này, VinCommerce mới nêu rõ sẽ tạm ngưng nhập hàng (trừ hàng tươi sống) để kiểm kê trong 1 tuần và dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 9-12. Bên cạnh đó, VinCommerce sẽ hủy các hàng hóa thuộc diện trả về và đã có sự thỏa thuận của nhà cung cấp; tiến hành chốt công nợ của nhà cung cấp tính đến thời điểm 30-11-2019.
Không ít nhà cung cấp bất ngờ vì nhận được thông báo ngưng nhập hàng đã trở nên lo lắng khi hay tin Vinmart, Vinmart+ sáp nhập vào Masan. Một số nhà cung cấp đã tìm đến các hệ thống siêu thị khác để chào hàng.

P.An

Thanh Nhân-Phương Nhung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm