Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp mòn mỏi chờ hoàn thuế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nếu hết thời hạn được bù trừ số thuế thu nhập đã nộp thừa mà chưa trừ hết, họ sẽ mất khoản tiền này.



Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết do Chính phủ ban hành ngày 5-11-2020 (nhằm sửa đổi Nghị định 20/2017 và Nghị định 68/2020 trước đó) quy định trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế thu nhập DN, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước của năm 2017, 2018 lớn hơn số tiền thuế thu nhập DN, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập DN từ năm 2020 đến hết năm 2024. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.

Bất hợp lý

Quy định này khiến một số DN trong nhóm điều chỉnh của nghị định này tỏ ra không đồng tình bởi nhà nước đã "nắm đằng chuôi" và đẩy họ vào thế bị thiệt thòi. Bởi tổng số thuế nộp thừa của nhóm DN này trong năm 2017-2018 không phải là con số nhỏ, lên tới khoảng 4.875 tỉ đồng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng quy định tuy có đề cập việc hoàn thuế cho DN có giao dịch liên kết đã nộp thuế thu nhập DN thừa trong năm 2017-2018 nhưng không quy định DN được hoàn thuế bằng tiền mặt mà lại bù trừ vào số thuế thu nhập DN từ năm 2020-2024 là chưa thật sự công bằng với DN. "Nếu DN bị lỗ trong năm 2020-2024 thì coi như không được nhận lại tiền hoàn thuế. Chưa kể, đến hết năm 2024, nếu DN chưa được hoàn hết tiền thuế thì cũng sẽ không được nhận số tiền còn lại. Trong khi đó, số tiền nộp thừa này chính là tiền của DN" - ông Châu chỉ ra điểm bất hợp lý và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung quy định trường hợp DN đến hết năm 2024 chưa nhận được tiền hoàn thuế hoặc còn một phần tiền hoàn thuế thì số tiền này sẽ được trả lại bằng tiền mặt.

Phó tổng giám đốc một DN bất động sản đang niêm yết trên sàn chứng khoán góp ý cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy áp đặt đối với DN, nhất là trong lĩnh vực thuế. "Khi tạm nộp thì yêu cầu nộp sớm, nộp đủ, nếu không chấp hành sẽ bị bêu tên nhưng khi nộp dư thì số tiền chênh lệch lại không được hoàn trả ngay mà thường kéo dài. Chúng tôi mong muốn Chính phủ và cơ quan quản lý chuyên ngành có cách quản lý, ứng xử với khoản tiền thuế của DN hợp lý hơn, tạo điều kiện để DN chấp hành tốt hơn nghĩa vụ thuế của họ" - vị lãnh đạo DN này bày tỏ.

Một số DN thừa nhận quy định mới trong Nghị định 132 cho phép nâng mức trần tính khấu trừ chi phí lãi vay từ 20% lên 30% giúp họ có lợi hơn khi giảm được áp lực chi phí vốn vay trong điều kiện bình thường. Song, trong bối cảnh DN lao đao vì dịch Covid-19 kéo dài suốt cả năm nay thì quy định này gần như không giúp ích được nhiều. Nhiều DN làm ăn không có lãi hoặc thua lỗ nên tổng chi phí lãi vay của DN được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế cũng bằng 0. Như vậy, nếu tình hình tiếp tục khó khăn kéo dài đến các năm tiếp theo, có nguy cơ nhiều DN không được hoàn hết số thuế đã nộp thừa theo phương pháp bù trừ vào số thuế thu nhập DN từ năm 2020-2024 là rất cao.

 

 Một số doanh nghiệp có giao dịch liên kết băn khoăn với quy định hoàn thuế tại Nghị định 132. Ảnh: TẤN THẠNH
Một số doanh nghiệp có giao dịch liên kết băn khoăn với quy định hoàn thuế tại Nghị định 132. Ảnh: TẤN THẠNH


Nên kéo dài thời hạn

Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP HCM, cho hay theo quy định pháp luật về thuế, chưa có tiền lệ hoàn thuế thu nhập DN bằng tiền mặt mà chỉ có hoàn thuế GTGT hoặc thuế thu nhập cá nhân. Do đó, Nghị định 132 không áp dụng hoàn thuế thu nhập DN cho DN có giao dịch liên kết đã nộp thừa thuế trong năm 2017-2018 là có cơ sở. Tuy nhiên, điều này chắc chắn gây khó khăn cho DN về dòng tiền, dòng vốn vay, thậm chí có thể coi là "chiếm dụng" dòng tiền.

"DN dù thuộc bất cứ nhóm ngành nghề nào khi gặp khó khăn, ít nhiều cũng sẽ tác động tiêu cực cho nền kinh tế của đất nước, kéo chậm tốc độ tăng trưởng. Do vậy, về lâu dài, cần xem xét sửa đổi quy định theo hướng tạo điều kiện hơn cho DN. Theo đó, trường hợp trong những năm sau, DN không có phần thuế phát sinh để được cấn trừ vào khoản đã nộp dư thì nên có cách hoàn thuế khác cho họ nhằm khuyến khích và tạo động lực cho cộng đồng DN" - ông Nghĩa nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, đề xuất kéo dài thời gian được hoàn thuế cho DN đã nộp dư thuế thu nhập DN lên 10 năm nhằm khuyến khích họ nỗ lực vượt qua khó khăn, làm ăn có hiệu quả. Bởi trong hoàn cảnh kinh doanh như hiện nay, việc duy trì được hoạt động đã là khó với nhiều DN. Nếu thời hạn hoàn thuế quá ngắn, DN không kịp được hoàn rõ ràng chính sách chưa sòng phẳng với DN" - ông Được nói.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam, bày tỏ đồng cảm với Chính phủ khi đưa ra quy định nói trên là để tránh thất thoát tiền thuế, tránh dòng tiền chảy ra nước ngoài, giữ lại để tái đầu tư, dịch vụ chi tiêu trong nước. Tuy nhiên, với các DN, họ lại cảm thấy bị "xử ép". "Nếu DN ứng tiền thuế rồi thì nếu họ lời vẫn cho họ lấy lại ngay năm sau chứ sao lại bắt họ chờ lâu như vậy. Đặc biệt, với các DN bất động sản có liên doanh, có đối tác nước ngoài thì càng khó" - ông Bảo nêu thực tế.

Theo Hoài Dương - Sơn Nhung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm