(GLO)- Những tháng cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chủ động phối hợp với đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2023; phương châm là không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Nguồn hàng dự trữ dồi dào
Qua khảo sát của Sở Công thương thì nguồn cung hàng hóa và sức mua trên thị trường trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023 sẽ tăng khoảng 20% so với thời điểm bình thường trong năm. Dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12-2022 và tháng 1-2023 ước đạt 20.800 tỷ đồng. Trong đó, tháng 12-2022 ước đạt 10.000 tỷ đồng (tăng 11,67% so với tháng 11-2022), tháng 1-2023 ước đạt 10.800 tỷ đồng (tăng 20% so với tháng 12-2022). Dự kiến tổng lượng dự trữ hàng hóa đối với nhóm lương thực, thực phẩm hơn 7.847 tỷ đồng; nhóm nguyên liệu, vật liệu hơn 5.365 tỷ đồng; nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng 1.415 tỷ đồng; hàng may mặc, giày dép, mũ nón 5.982 tỷ đồng; hoa Tết 40 tỷ đồng; hàng hóa dịch vụ khác khoảng 190 tỷ đồng.
Nhiều chủ thể kinh doanh thương mại đã chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ người dân trong dịp Tết. Ảnh: Vũ Thảo |
Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai là đơn vị đầu mối với hơn 30 đầu xe tải phục vụ bán hàng lưu động bao phủ khắp các địa bàn trong tỉnh. Để chủ động hàng phục vụ Tết, Công ty đã lên kế hoạch dự trữ rất sớm với tổng trị giá hàng hóa lên đến 80 tỷ đồng. Ông Trịnh Xuân Vỹ-Giám đốc kinh doanh Công ty-cho biết: “Ngoài chủ động nguồn hàng, Công ty tăng cường thêm nhân lực và phương tiện trong những ngày giáp Tết để phục vụ nhu cầu thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá”.
Năm nay, Siêu thị Co.op Mart Pleiku dự trữ hàng phục vụ Tết tăng hơn 10% so với năm ngoái. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị-chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa trị giá 110 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hóa phẩm, may mặc, đồ dùng gia đình, điện dân dụng... Thị trường đang bước vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm với sức mua bắt đầu tăng mạnh. Vì vậy, lượng lớn hàng hóa đã cập kho liên tục. Năm nay, Co.op Mart triển khai rất nhiều chương trình khuyến mãi kéo dài ở hầu hết các ngành hàng nhằm kích cầu tiêu dùng”.
Không để xảy ra khan hàng, sốt giá
Đến thời điểm này, 46 doanh nghiệp đầu mối, 12 siêu thị cùng hàng ngàn chủ thể kinh doanh thương mại thuộc các thành phần kinh tế đã chủ động nguồn hàng rất dồi dào, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở tập trung hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chuẩn bị nguồn hàng, tập trung một số mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, bánh mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, quần áo may sẵn, nguyên liệu, nhiên liệu... nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân, bảo đảm số lượng, chất lượng, giá cả hợp lý, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, ưu tiên hàng Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối lớn chủ động và có kế hoạch phân bổ nguồn hàng cho đại lý trực thuộc trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân với phương châm không để thiếu hàng, sốt giá; có kế hoạch tập kết hàng hóa về kho dự trữ vào tháng 12-2022. Sở cũng vận động doanh nghiệp khai thác tối đa kho hàng, đảm bảo công suất dự trữ, có kế hoạch phân bổ thời gian hoặc tăng thời gian phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng hợp lý; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn người tiêu dùng tham gia mua sắm giao dịch bằng hình thức trực tuyến, giao hàng tận nhà để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Các siêu thị đã nhập số lượng hàng hóa lớn theo kế hoạch dự trữ để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm và Tết. Ảnh: Vũ Thảo |
Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lượng hàng hóa dự trữ lớn như: Công ty TNHH Xăng dầu Bắc Tây Nguyên 165,5 tỷ đồng, PV Oil miền Trung-Chi nhánh Gia Lai 231,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Tây Nguyên 32,7 tỷ đồng, Doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Tín 22 tỷ đồng, Doanh nghiệp tư nhân Thùy Dung 27,9 tỷ đồng, Siêu thị Chợ Lớn 26 tỷ đồng… |
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp tăng cường tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, tích cực phối hợp tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn với những ngành hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đón Tết của người dân vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp tiếp cận mặt hàng bình ổn giá phục vụ nhu cầu thiết yếu. Đặc biệt, yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối và tổng đại lý có kế hoạch dự trữ, phân bổ nguồn hàng cho hệ thống cửa hàng trực thuộc và hệ thống đại lý theo quy định, đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
“Sở Công thương sẽ theo dõi, đánh giá sát diễn biến cung cầu hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu lớn, biến động giá để chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu dẫn đến tăng giá đột biến. Đồng thời, phối hợp với Cục Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát giá cả, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của doanh nghiệp; xử lý nghiêm hành vi lừa đảo, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm”-ông Binh thông tin thêm.
VŨ THẢO