Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp sân sau

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mối đe doạ lớn nhất đối với sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước không phải là DNNN, hay FDI mà chính là các 'doanh nghiệp sân sau' đang móc ngoặc, thông đồng với các quan chức để trục lợi trên nền tảng của công.
Những thông tin ban đầu sau vụ nhiều cơ sở của công ty Nhật Cường ở Hà Nội bị Bộ Công an khám xét hồi tuần qua không khỏi làm nhiều người băn khoăn về doanh nghiệp này. Vì sao một Nhật Cường mới có 3 năm tồn tại lại vượt lên hầu hết các doanh nghiệp khác, có nhiều kinh nghiệm hơn, có thực lực hơn trong cùng lĩnh vực để được chỉ định, hay trúng thầu hàng loạt các dự án công ở Thủ đô?
Mà đó toàn là các dự án rất lớn, dùng ngân sách như dự án cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp, sổ liên lạc điện tử PINO... nằm trong chương trình đưa Hà Nội thành 'Thành phố thông minh năm 2020'.
Tất nhiên, còn cần thêm thời gian để biết điều gì là sự thật sau vụ việc này, nhưng những thông tin ban đầu tràn lan trên mặt báo một lần nữa gợi nhớ cho cá nhân tôi về cái gọi là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” được nhiều người cảnh báo từ gần một thập kỷ trước.
 
Hầu hết các dự án BT là được chỉ định thầu.
Theo đó, những “doanh nghiệp sân sau”, “doanh nghiệp thân hữu” nhận được thiên vị, tiếp tay của các quan chức trong việc tiếp cận đất đai, tài chính, ngân sách, giấy phép, giảm thuế và vô vàn các ưu đãi khác.
Một môi trường dung dưỡng cho thành tựu kinh doanh của một số doanh nghiệp dựa trên sự thông đồng, quan hệ thân thiết của họ với các quan chức của chính quyền chắc chắn không phải là mảnh đất cho sự phát triển công bằng, lành mạnh cho số đông các doanh nghiệp khác.
Trong thời gian dài làm báo, tôi biết đến vô vàn những trường hợp thông đồng, bắt tay giữa quan chức và doanh nghiệp – qua các trường hợp cụ thể, hay qua các số liệu thống kê và báo cáo.
Trong nhiều trường hợp, người ta bắt tay nhau để ưu ái cho doanh nghiệp sân sau bằng cách khá tinh vi. Dự án công ở địa bàn tỉnh tôi, tôi sẽ chỉ định cho công ty sân sau của anh, và dự án của tỉnh anh, thì anh chấm cho công ty sân sau của tôi. Cách này là kín kẽ, tinh vi.
Song, trên thực tế là người ta không còn ngại ngần như vậy mà ngang nhiên chỉ định luôn cho doanh nghiệp sân sau của mình ở ngay tỉnh mình.
Một trong số đó là vụ bà cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh tự ý ký nhiều văn bản trái pháp luật nhằm giúp công ty của chồng hưởng lợi trong các dự án, lý do bà bị kết luận là phi phạm “rất nghiêm trọng” các nguyên tắc quản lý của nhà nước, của tổ chức.
Theo Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các dự án BT trên toàn quốc và dựa BOT trên quốc lộ 1A là chỉ định thầu. Lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước khẳng định, hình thức đầu tư BT, BOT rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì “lợi ích nhóm”, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.
Một báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư được báo chí trích dẫn cho biết, chỉ riêng năm 2017, cả nước có 221.469 gói thầu, trong đó có tới 153.280 gói thầu được chỉ định thầu, chiếm 69%.
Những doanh nghiệp nào được chỉ định thầu, được hưởng những ưu ái như vậy, nếu không phải là doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu?
Câu hỏi đặt ra, không gian cho doanh nghiệp sân sau có quy mô như thế nào ở Việt Nam, một nền kinh tế đang chuyển đổi?
Tôi vẫn nhớ mãi một cách giải thích của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung: “Vì sao thân hữu ở Việt Nam nhiều đến thế? Vì Nhà nước có quá nhiều thứ để cho, Nhà nước có quá nhiều và thị trường lại có quá ít và Nhà nước cho không minh bạch, không chịu trách nhiệm giải trình”.
Lời giải thích của ông Cung có thực tiễn minh chứng. Theo nghiên cứu Ngân hàng Thế giới, thông thường, trị giá tài sản công của mỗi quốc gia thường bằng 4 lần GDP nước đó. Theo đó, tài sản công của Việt Nam có thể hơn 1.000 tỷ đô la, một nguồn lực rất lớn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính, tổng trị giá tài sản công ở Việt Nam còn có thể lớn hơn nhiều do ngoài tài sản các cơ quan nhà nước nắm giữ, còn một lượng lớn tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Cộng sản cho biết, hiện nay, “lợi ích nhóm” và hoạt động của “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Đó là trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng - tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội, trong quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý việc cấp các loại giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành.
“…Tình hình xấu đã lan rộng, khá phổ biến và khá ngang nhiên, nghiêm trọng đến mức báo động”, bài nghiên cứu khẳng định.
Theo các nhà kinh tế, đang có sự phân biệt rất rõ ràng giữa các doanh nghiệp thân hữu với quan chức chính quyền là các DNNN, là số lớn các doanh nghiệp FDI, là một số ít tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam so với phần đông các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác. Đây là một trong những lý do phần đông các doanh nghiệp tư không có đất để lớn lên.
Gần đây, VCCI đặt 3 câu hỏi cho doanh nghiệp tư nhân: (1) Chính quyền có đang ưu ái doanh nghiệp nhà nước; (2) Chính quyền có đang ưu ái doanh nghiệp FDI; và (3) Chính quyền có ưu ái doanh nghiệp tư nhân sân sau. Kết quả là 38% trả lời có ở câu (1); 40% trả lời có ở câu (2) và 73% trả lời có ở câu (3).
Điều này có nghĩa, mối đe doạ lớn nhất đến sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước không phải là DNNN, hay doanh nghiệp FDI mà chính là các doanh nghiệp tư nhân là sân sau, hay thân hữu đang móc ngoặc, thông đồng với các quan chức trong hệ thống để thu lợi trên nền tảng của công. Còn đâu cơ hội công bằng cho số đông còn lại?
Tư Giang (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm