Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thờ ơ, CPTPP ký xong "để đấy" lợi ích vẫn chỉ nằm trên "giấy"?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một thực tế cho thấy đến 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Nguyên nhân được đưa ra là do chưa được tiếp cận thông tin, lời văn của hiệp định khó hiểu, tiêu chuẩn xuất xứ quá cao... khiến các doanh nghiệp hụt hơi trong sân chơi mới. Quan trọng hơn, thờ ơ của doanh nghiệp khiến hiệp định CPTPP rơi vào trạng thái "ký xong để đấy", lợi ích vẫn chỉ nằm "trên giấy".
Làm gì để DN hiểu sâu về CPTPP?
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Đây là cơ hội rất lớn song cũng tạo ra không ít áp lực cho hệ thống chính sách, pháp luật, môi trường đầu tư, công nghệ và năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Theo số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả điều tra sự quan tâm của doanh nghiệp với CPTPP đối với 8.600 doanh nghiệp có tới 26% doanh nghiệp đã tìm hiểu, nhưng vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương thông tin thêm, kể từ khi CPTPP có hiệu lực, mới có 12 câu hỏi của doanh nghiệp gửi tới bộ về vấn đề này.
 
DN vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến CPTPP khiến những lợi ích từ hiệp định không được tận dụng.
Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng đánh giá, đây là con số rất thấp, việc các doanh nghiệp chưa có sự quan tâm đúng mức khiến CPTPP sẽ trở thành một văn bản “ký xong để đấy”, không thể tận dụng những lợi ích mang lại.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã biết sử dụng CPTPP để tăng trưởng xuất khẩu nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi vẫn còn rất thấp. Cụ thể như hàng xuất theo mẫu CPTPP chỉ đạt 190 triệu USD trong tổng số 16.400 triệu USD hàng hóa xuất khẩu, tương ứng với việc chỉ tận dụng được 1,17%.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, một số nguyên nhân của thực trạng trên là do các doanh nghiệp thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện, bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước cuối cùng là năng lực cạnh tranh thấp hay quy tắc xuất xứ quá khó...
Theo ông Nguyễn Minh Hải, đại diện Phòng Thương mại Italy tại Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam gặp khó trong việc tiếp cận thông tin về CPTPP khiến hoạt động xuất khẩu thưởng lúng túng, bị động.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài luôn ưu tiên quan tâm đến việc có xuất khẩu được hay không? Sau khi tìm được khách hàng mới quan tâm đến ưu đãi về thuế trong CPTPP.
Doanhnghieepj thường gặp hai vấn đề lớn đó là không biết tiếp cận nguồn thông tin ở đâu, làm gì để cho khách hàng miễn được thuế khi nhập khẩu… nhưng khi tiếp xúc với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp vẫn thường nhận được những tập tài liệu rất dày để tự nghiên cứu”. ông Hải nói.
Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Văn Huệ, ủy viên Thường trực CLB Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, đánh giá ngành nông nghiệp Việt Nam đang đi chậm hơn các ngành khác. Việc thiếu thông tin, không chủ động tìm hiểu khiến ngành nông nghiệp đang trong thế bị động khi tiếp cận thị trường CPTPP và đây là rủi ro rất lớn.
“Ngành nông nghiệp đang sản xuất những cái mình có chứ chưa phải đáp ứng sát sườn những sản phẩm các thị trường nhập khẩu lớn cần. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu tìm hiểu các thị trường lớn, mang sản phẩm đến tận nơi chào hàng. 
Có những sản phẩm ở nước ngoài cần nhưng trong nước không biết. Doanh nghiệp Việt không nắm được thông tin nên không đưa sản phẩm sang, thay vào đó trông chờ vào các doanh nghiệp nước ngoài sang tìm kiếm, khi đó có thể rơi vào vị thế là người gia công cho họ”, ông Huệ nói.
Ngoài ra, quy tắc về xuất xứ phức tạp, câu từ khó hiểu cũng là một rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp khi tiếp cận với CPTPP. Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, quy định xuất xứ từ sợi của CPTPP đã đánh đúng vào điểm nghẽn của ngành khi doanh nghiệp dệt may.
“Hiện nay, chúng ta vẫn phải nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn xơ sợi, 80% vải... Đối với lĩnh vực may, dù Việt Nam có thế mạnh nhưng chủ yếu vẫn là hình thức gia công với 76% lao động trong ngành dệt may là lao động phổ thông. Muốn giải quyết được điểm nghẽn, các doanh nghiệp mạnh phải liên kết với nhau, cần xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp, nhất là trong nước và đầu tư nước ngoài cũng như cần đẩy mạnh vấn đề đào tạo.” ông Cẩm thông tin.
Không tìm hiểu, lợi ích từ hiệp định sẽ chỉ nằm trên giấy
Theo ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI cho rằng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần nhận thức rõ được các cơ hội mà các hiệp định CPTPP hay EVFTA mang lại, nhằm cải cách thể chế tối ưu việc hội nhập hóa để có lợi nhất.
Thạc sĩ Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng Hiệp định Tự do Thương mại (FTA), VCCI cho biết thêm, toàn văn của CPTPP rất đồ sộ, phức tạp, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ cần quan tâm nhất đến các cam kết về thuế quan và quy tắc xuất xứ, không cần nghiên cứu toàn bộ.
“Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung của CPTPP, đây là việc đầu tiên quan trọng phải làm nhưng lại bị bỏ qua. Tìm hiểu các cam kết thuế quan sẽ cho doanh nghiệp biết hàng hóa của mình khi xuất khẩu sang nước đối tác CPTPP sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi như thế nào, với lộ trình cắt giảm thuế từng năm ra sao.
 
 DN cần chủ động tìm hiểu về nội dung của CPTPP.
Đồng thời, để được hưởng ưu đãi thuế quan thì doanh nghiệp phải hiểu và đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Điều này là vô cùng quan trọng vì để có được giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP, hoặc tự chứng nhận xuất xứ CPTPP thì ngay từ khâu nhập khẩu nguyên liệu, doanh nghiệp đã phải lấy được giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP cho các nguyên liệu của mình để phục vụ cho việc chứng nhận xuất xứ CPTPP cho hàng hóa thành phẩm sau này.” Bà Phương nói.
Ngoài ra, bà Phương cho biết thêm, ưu đãi thuế quan trong CPTPP là rất lớn nhưng yêu cầu về xuất xứ lại không hề dễ dàng, doanh nghiệp cần thay đổi quy trình sản xuất trong nước và chuyển hướng nguồn nguyên liệu nhập khẩu mới có thể được hưởng các ưu đãi thuế quan.
“Hiện nay, nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp Việt Nam đang được nhập khẩu phần lớn từ các nước ngoài CPTPP như Trung Quốc và một số nước ASEAN. Do đó, nếu doanh nghiệp không chủ động thay đổi quy trình sản xuất, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên CPTPP thì sẽ khó đáp ứng được quy tắc xuất xứ của CPTPP và kết quả là sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định”, bà Phương khẳng định.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nếu Hiệp định ký xong mà “để đấy” thì tất cả lợi ích vẫn chỉ “nằm trên giấy”. Do đó, cần nâng cao hơn sự chủ động của cả bộ máy quản lý, các địa phương và chính doanh nghiệp.
Thanh Phong (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm