Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thúc đẩy thịnh vượng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đầu Xuân Đinh Dậu, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã gặp mặt doanh nhân làm ăn trên địa bàn. Đây là việc làm mới, vì mọi năm thường đến 13-10 (Ngày Doanh nhân Việt Nam), tỉnh mới gặp mặt đại diện doanh nghiệp. Gần 400 doanh nhân dự buổi gặp gỡ đầu Xuân với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố là tín hiệu phấn khởi trong năm mới.

Nhận thức về vai trò, chức năng của doanh nghiệp trong xã hội ta chuyển dần, chuyển mạnh từ là “kẻ chợ”, “con buôn” sang “doanh nhân”, “người lính trên mặt trận xây dựng Tổ quốc”... Doanh nghiệp thời bao cấp  được xem là một khâu trong công tác sản xuất, phân phối của cải trong bộ máy công chức nhà nước, giờ đây tách bạch thành lực lượng riêng của xã hội, thành bộ phận nòng cốt tạo nên sự thịnh vượng, thúc đẩy xã hội phát triển, hội nhập.

 

Ảnh: H.T
Ảnh: H.T

Ở Gia Lai hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp, so với thời bao cấp chỉ vài chục doanh nghiệp quốc doanh, con số này đã gấp hàng trăm lần. Mục tiêu của lãnh đạo tỉnh đến năm 2020-nghĩa là trong 4 năm nữa, số lượng doanh nghiệp ở tỉnh phải tăng gấp đôi, quy mô tài chính cũng phải tương ứng. Trong 4 năm, phát triển bằng 30 năm đổi mới cộng lại, muốn đạt được đòi hỏi phải có bước đột phá mạnh mẽ.

Nhìn vào nền kinh tế Gia Lai, động lực để thúc đẩy tăng trưởng khi quy mô doanh nghiệp tăng gấp đôi, cần rất nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan hành chính đến người dân. Cơ quan hành chính thì cần năng động trong xử lý các vấn đề doanh nghiệp yêu cầu, tránh xơ cứng, máy móc; trải thảm đỏ nhưng phải làm sạch sạn, sạch đinh. Đối với doanh nghiệp, đầu tư vào Gia Lai theo kiểu ăn xổi đã hết, bởi lợi thế tài nguyên như gỗ rừng, đất đai, khoáng sản cơ bản đã không còn, giờ cần đầu tư chiều sâu vào dịch vụ, công nghiệp, chế biến, du lịch, đầu tư kỹ thuật nâng cao năng suất, sản lượng.

Làm sao để triệt tiêu các yếu tố bất lợi ở Gia Lai như: tài nguyên cạn kiệt, lao động có chất lượng cao ít, công nghệ thông tin còn hạn chế, giao thông không có đường biển, đường sắt... trong quá trình làm ăn, buộc nhà đầu tư phải cân đo lợi thế cạnh tranh bổ trợ. Thế mạnh của Gia Lai so với nhiều địa phương khác đến đâu? Phải chăng ở diện tích cây công nghiệp tập trung lớn; vị trí địa lý khác biệt, có thể phát triển dịch vụ và du lịch-ngành “hot” hiện nay, song từ tiềm năng này biến thành hiện thực lại cần kinh phí rất lớn và hàng loạt cơ chế, chính sách kích hoạt.

Dịch vụ và du lịch đang là điểm yếu, lĩnh vực kém phát triển nhất của tỉnh nhà. Dịch vụ ở đây là nói đến những lĩnh vực hạ tầng đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách trong vui chơi, nghỉ ngơi, sinh hoạt, kể cả để phát triển khả năng, trí tuệ của mỗi người, lĩnh vực này gần như chưa có gì. Du lịch được xác định là kinh tế mũi nhọn trong tương lai nhưng để phát triển được nó cần có sự quan tâm, hoạch định chính sách và đầu tư mang tầm quốc gia nếu không muốn nói quốc tế.

Đã qua cái thời Nhà nước đứng ra bao cấp, bỏ kinh phí đầu tư phát triển xã hội. Ngân sách bây giờ, xét cho cùng cũng chỉ là tiền đóng góp của toàn dân, chính quyền các cấp điều tiết chi tiêu cho phù hợp với sự phát triển chung. Bộ máy nhà nước và doanh nghiệp gặp nhau ở điểm là cùng mong muốn xã hội thịnh vượng, phát triển, trong đó doanh nghiệp trực tiếp tạo của cải vật chất cho sự thịnh vượng. Địa phương nào không có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp không phát triển thì địa phương đó khó phát triển.

Các cấp chính quyền gặp gỡ doanh nghiệp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, cùng họ tháo gỡ, giải tỏa những khó khăn bất cập để tạo nên sự thịnh vượng chung là cần thiết. Địa phương nào cũng có doanh nghiệp làm ăn khấm khá, biết quan tâm chia sẻ lợi ích với người dân, chắc chắn sẽ nhanh chóng phát triển. Vì thế, thiết nghĩ không chỉ lãnh đạo tỉnh quan tâm đến phát triển các doanh nghiệp mà mỗi huyện, thị xã, thành phố đến xã, phường, thị trấn cũng cần cùng kề vai sát cánh với doanh nghiệp-hạt nhân kinh tế quan trọng ở địa phương, để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo nên sự thịnh vượng cho người dân.

Ngược lại, các doanh nghiệp cũng cần phải hài hòa giữa lợi ích của mình với lợi ích chung cộng đồng, làm giàu cho mình và cho xã hội. Làm sao để doanh nghiệp giàu, Gia Lai mạnh.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm