Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp trên đà phục hồi, phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh Gia Lai có 520 doanh nghiệp (DN) thành lập mới. Điều này cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế ngày càng rõ nét, môi trường kinh doanh của DN gặp nhiều thuận lợi.

Tăng mạnh về số lượng

Nói về các yếu tố tác động đến tình hình hoạt động và tăng trưởng của DN trong những tháng đầu năm, ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: “Trong những tháng đầu năm, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho cộng đồng DN. Từ đầu tháng 4 đến nay, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát nên các DN bắt đầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ sản xuất để cải thiện doanh thu, tích cực tìm kiếm đối tác, thị trường mới. Đây cũng là điều kiện để nhiều DN thành lập mới nhằm tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh”.

Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến cà phê Lamant của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến cà phê L'amant của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy


Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng số DN thành lập mới, bắt đầu gia nhập thị trường trong 6 tháng năm nay là 520 DN, đạt 54,7% kế hoạch, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021. “Số lượng DN thành lập mới của Gia Lai cao hơn so với trung bình của khu vực Tây Nguyên 2,3% và tăng so với cả nước 3,5%. Về tổng số vốn đăng ký, Gia Lai cũng là tỉnh tăng rất cao với 5.325 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021, bình quân 10,2 tỷ đồng/DN. Trong khi đó, tổng số vốn đăng ký của khu vực Tây Nguyên giảm 1,5% và cả nước giảm 2,2%”-ông Phước thông tin.

Là một trong những địa phương có số lượng DN tăng mạnh với 28 DN thành lập mới tính đến đầu tháng 6, huyện Chư Prông hoàn toàn có thể đặt kỳ vọng vào sự phát triển đột phá về kinh tế trong năm 2022. Ông Nguyễn Văn Ân-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện-chia sẻ: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có 453 đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh theo loại hình DN. Trong số 28 DN thành lập mới, có 2 công ty cổ phần và 26 công ty TNHH. Với số lượng DN thành lập mới này, huyện đã đạt được 87,5% kế hoạch, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng DN thành lập mới tăng cao thể hiện niềm tin của cộng đồng DN đối với triển vọng phát triển kinh tế của huyện. Ủy ban nhân dân huyện rất kỳ vọng vào sự lớn mạnh của cộng đồng DN trong việc góp phần quan trọng để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương không chỉ trong năm 2022”.

Không chỉ Chư Prông mà nhiều địa phương khác cũng có số DN thành lập mới tăng mạnh so với kế hoạch đề ra như: Mang Yang với 14 DN đăng ký thành lập mới (tổng vốn đăng ký 285 tỷ đồng), đạt 63,64% kế hoạch; TP. Pleiku có 276 DN đăng ký thành lập mới (tổng vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng), đạt 50,6% kế hoạch; Đak Đoa có 21 DN đăng ký thành lập mới (tổng vốn đăng ký 122 tỷ đồng), đạt 60% kế hoạch…  

Tiếp tục hỗ trợ DN

Tuy nhiên, dưới tác động của nhiều yếu tố, trong 6 tháng qua có 50 DN buộc phải giải thể và rút lui khỏi thị trường. Song, con số này hoàn toàn không đáng kể khi so với cùng kỳ năm 2021, số lượng DN giải thể toàn tỉnh giảm 16,8% (khu vực Tây Nguyên, con số này chỉ giảm 15,4% và cả nước giảm 14%). Trong khi đó, số DN quay trở lại hoạt động từ đầu năm đến nay là 181 DN, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này đã giúp nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên 701 DN, bình quân 1 tháng có 117 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

 Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất kính cường lực Phúc Thịnh Hoàng (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất kính cường lực Phúc Thịnh Hoàng (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Toàn tỉnh có 8.250 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 126.110 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2022, tổng số DN sẽ tăng lên 8.653 DN với tổng vốn đăng ký dự kiến 129.340 tỷ đồng.

Ông Hoàng Ngọc Tuấn-Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn (phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho hay: “Công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ. Thời gian trước, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên Công ty đã xin tạm ngưng hoạt động. Vài tháng trở lại đây, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nên chúng tôi hoạt động trở lại. Hy vọng sắp tới, tình hình hoạt động của Công ty sẽ luôn thuận lợi”.

Theo ông Phùng Văn Phước: Để đồng hành cùng cộng đồng DN, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cải tiến quy trình hướng dẫn hồ sơ đăng ký DN dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin như qua mạng Zalo hoặc Viber; đăng ký nộp hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; hoặc đăng ký nộp hồ sơ qua mạng và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Ngoài ra, Sở còn hướng dẫn và hỗ trợ DN nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng nhằm hạn chế tối thiểu việc tiếp xúc trực tiếp với cán bộ “một cửa” và cán bộ thụ lý giải quyết hồ sơ, tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí đi lại.

“Nhằm đạt mục tiêu 950 DN thành lập mới trong năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp trọng tâm như: triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển doanh nghiệp năm 2022 trên địa bàn cấp huyện và giao chỉ tiêu cụ thể phát triển doanh nghiệp cho các đội thuế trực tiếp quản lý địa bàn kinh doanh tại các phường, xã, phòng tài chính-kế hoạch trực thuộc UBND cấp huyện và Hiệp hội DN tỉnh; đưa chỉ tiêu phát triển DN vào nội dung định kỳ đánh giá hàng tháng của địa phương. Cùng với đó là vận động, tuyên truyền và hỗ trợ các hộ kinh doanh có đủ điều kiện để chuyển đổi sang loại hình DN; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thành lập mới DN để khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi để có nhiều cơ hội sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả cho DN thành lập mới. Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ thành lập mới DN (1 triệu đồng/DN) từ nguồn ngân sách địa phương cho chi phí thành lập, đăng công bố và khắc dấu”-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh thông tin thêm.

 

HÀ DUY

 

Có thể bạn quan tâm