Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn khi đăng ký hệ thống 'luồng xanh'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Số lượng phương tiện đăng ký giấy nhận diện “luồng xanh” tăng rất cao, gây nên sự quá tải đột ngột, tạm thời với cơ quan quản lý Nhà nước.

Phương tiện chở hàng thiết yếu sẽ được kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi qua chốt. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Phương tiện chở hàng thiết yếu sẽ được kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi qua chốt. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)


Nhiều doanh nghiệp phản ánh hệ thống phần mềm thực hiện đăng ký "luồng xanh" của Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn lỗi khiến họ khó nộp hồ sơ để xin cấp giấy nhận diện, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa tới địa phương.

Khó nộp hồ sơ do lỗi kỹ thuật

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị kiểm tra, khắc phục lỗi kỹ thuật trên hệ thống phần mềm "luồng xanh" của Tổng cục Đường bộ.

Theo ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, 2 ngày qua, hệ thống của Sở đã tiếp nhận gần 20.000 hồ sơ đăng ký xe đi "luồng xanh."

Một số doanh nghiệp vận tải phản ánh khi thực hiện đăng ký "luồng xanh" trên hệ thống phần mềm của Tổng cục Đường bộ xảy ra tình trạng chậm, nghẽn mạng, bị treo máy, nên doanh nghiệp không nộp được hồ sơ. Thậm chí, có trường hợp đã xét duyệt, cấp mã thẻ nhận diện nhưng doanh nghiệp chưa nhận được kết quả thông báo.

"Hai ngày qua, Sở đã tăng cường tối đa lực lượng, anh em thức trắng đêm, luân phiên trực 24/24 giờ đồng thời cũng huy động tất cả cán bộ làm công tác vận tải để giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp. Những đơn vị đăng ký đã lâu mà chưa được giải quyết, có thể gọi điện thoại về đường dây nóng đã công bố (0912357845, 0972756888), nhắn tin tên doanh nghiệp, biển kiểm soát phương tiện để chúng tôi chủ động tra cứu, xử lý," ông Long nói.

Về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay “luồng xanh” vận tải được triển khai khi các địa phương thực hiện giãn cách, cách ly theo Chỉ thị 16 nhằm tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông thuận lợi để vận chuyển hàng hóa thiết yếu.

Luồng xanh là các phương tiện được đi trên một số tuyến giao thông cụ thể và trên tuyến đó sẽ được tạo điều kiện thuận tiện để lưu thông. Việc cấp thẻ nhận diện để các phương tiện lưu thông luồng xanh được các Sở Giao thông Vận tải triển khai thực hiện…

Hệ thống này thông qua phần mềm quản lý, doanh nghiệp không phải đến cơ quan quản lý Nhà nước mà chỉ cần gửi thông tin qua email, zalo. Tổng cục Đường bộ sẽ xem xét hành trình, trả kết quả cấp thẻ nhận diện cho doanh nghiệp qua email, zalo. Từ đó, doanh nghiệp tra cứu qua mã QR Code mà Sở Giao thông Vận tải đã chuyển để tự in giấy nhận diện, có thông tin cụ thể về hành trình chuyến đi, cũng như thông tin về phương tiện để phương tiện được lưu thông thuận tiện.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng làm việc với Bộ Y tế, các cơ quan, địa phương, đề nghị khi phương tiện có giấy nhận diện, đi qua các chốt kiểm dịch sẽ được lưu thông. Đến nay, các địa phương đã phối hợp tốt việc này, ưu tiên tối đa cho phương tiện đã có giấy nhận diện.

“Các doanh nghiệp khi in giấy nhận diện cần in bổ sung để dán trên hai cửa xe, chỉ cần dùng smartphone là có thể tra cứu được thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước để nhận diện ngay được xe này đã đăng ký chưa, nội dung thông tin như thế nào. Hiện mới chỉ cấp giấy nhận diện cho phương tiện, còn lái xe và người trên xe thì chưa cấp. Do đó, người trên xe phải chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Y tế như có giấy xét nghiệm âm tính, hạn chế tiếp xúc…,” bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, kể từ khi thành phố Hà Nội triển khai giãn cách theo Chỉ thị 16, số lượng phương tiện đăng ký giấy nhận diện luồng xanh tăng rất cao, gây nên sự quá tải đột ngột, tạm thời với cơ quan quản lý Nhà nước. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hiện đang nhận rất nhiều hồ sơ và đang rất nỗ lực làm ngày làm đêm để giải quyết nhanh nhất.

Đồng bộ mã QR vận tải và quản lý lái xe

Hiện nay, trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ và theo báo cáo từ các Sở Giao thông Vận tải địa phương, cả nước đã cấp gần 55.000 phương tiện lưu thông bằng giấy nhận diện luồng xanh. Tổng cục Đường bộ đang nỗ lực để triển khai thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và lái xe.

Theo bà Hiền, giai đoạn đầu triển khai “luồng xanh,” chỉ trong 4 ngày Tổng cục Đường bộ đã triển khai xây dựng một phần mềm với sự hỗ trợ tình nguyện, không lợi nhuận của Công ty An Vui để thực hiện cấp mã QR Code trên toàn quốc.

“Quá trình triển khai, hàng ngày Tổng cục Đường bộ đều cập nhật, hoàn thiện dần phần mềm. Trong quá trình triển khai thực hiện, sẽ có doanh nghiệp chưa tiếp cận được do phần mềm nghẽn, quá tải vài cơ quan quản lý Nhà nước cần có thời gian giải quyết. Nếu có sự chậm trễ trong việc trả kết quả qua phần mềm, rất mong doanh nghiệp có sự chia sẻ với cơ quan quản lý Nhà nước..,” vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ thừa nhận.

Bà Hiền cũng tiết lộ những ngày gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện cấp mã QR Code trên phần mềm chung toàn quốc mà thực hiện riêng phần mềm của thành phố. Phần mềm của Thành phố Hồ Chí Minh có những ưu điểm gì sẽ được chuyển vào hệ thống chung để toàn quốc chỉ có một phần mềm thống nhất cấp nhận diện cho xe đi “luồng xanh”.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng đã là việc với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để mã hoá cấp thẻ nhận diện để đồng bộ với mã QR xét nghiệm, mã QR tiêm vaccine. Ngay tối qua (25/7), Tổng cục đã thống nhất việc này, để khi có mã QR của xét nghiệm/vaccine cũng như mã QR nhận diện ưu tiên, cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm nếu các lái xe không thực hiện quy định phòng chống dịch.

Hiện, Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đồng bộ mã QR này trên kho dữ liệu mã QR chung quốc gia để chúng ta có một hệ thống mã QR quốc gia cho hoạt động vận tải cũng như quản lý lái xe.

Theo Việt Hùng (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm