Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt gặp nhiều thách thức trong nền kinh tế số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nền kinh tế số với những mô hình, phương thức kinh doanh mới đã và đang tạo ra những cơ hội lớn để phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp. Thông qua trao đổi trực tuyến, sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh, quảng bá, thực hiện tốt các dịch vụ sau bán hàng…, người tiêu dùng thì được mua sắm toàn cầu.

Cùng với đó, phát triển công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuận tiện với chi phí thấp. Các công nghệ mới đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng được kết nối tốt hơn và phân phối hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí hậu cần và giao dịch.

 

Doanh nghiệp Việt đối mặt nhiều thách thức trong nền kinh tế số.
Doanh nghiệp Việt đối mặt nhiều thách thức trong nền kinh tế số.

Theo báo cáo của Google và Temasek, nền kinh tế số của khu vực ASEAN đã có những đột phá trong những năm gần đây và đặc biệt là trong năm 2017. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số khu vực ASEAN năm 2017 đã vượt kì vọng với tỷ lệ tăng trưởng đạt 27%/năm và đạt mốc 50 tỉ USD, chiếm khoảng 2% GDP của khu vực (dự kiến sẽ đạt 6% GDP vào năm 2025). Đóng góp vào sự tăng trưởng này là các ngành như du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, phương tiện truyền thông và giải trí trực tuyến, đặt xe trực tuyến...

Với tổng dân số hơn 90 triệu người, trong đó có hơn 58 triệu người dùng internet, hơn 125 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp thành công trong các ngành CNTT, phần mềm, ứng dụng công nghệ số..., Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số. Tỷ trọng của thương mại điện tử trong tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam chiếm 3,6% là khá khiêm tốn so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (14,5%).

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng khoa học và công nghệ, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong năm 2017, nhưng xu hướng doanh nghiệp nhỏ đi vẫn tiếp diễn, tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô nhỏ thua lỗ vẫn ở mức cao, cho thấy năng lực của khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề.

Đặc biệt, theo bà Hằng, nhà nước đang có chính sách khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp. Như vậy, một mặt, việc chuyển đổi phải có chính sách hỗ trợ về tăng cường năng lực, mặt khác phải có chính sách nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp cực nhỏ vì các doanh nghiệp này thường không có bộ phận chuyên môn.

“Chúng ta phải hướng tới việc phát triển thị trường kinh doanh kinh doanh thương mại điện tử (B2B) để cung ứng dịch vụ phát triển kinh doanh hỗ trợ cho nhóm đối tượng này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa phát triển mạnh mảng dịch vụ này. Thiết lập B2B là đặt trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ, tạo giá trị gia tăng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… còn nếu không thì doanh nghiệp sẽ bị đào thải”, bà Hằng khuyến cáo.

Kinh tế số đặt ra nhiều thách thức

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu tận dụng được sức mạnh của công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường và thị phần, thậm chí lấn sân vào những thị trường mới do chính doanh nghiệp Việt Nam tạo nên.

Đặc biệt, các sản phẩm công nghệ sẽ tạo ra nhiều giá trị, giảm chi phí sản xuất, lao động nhân công. Không chỉ các công ty công nghệ mà tất cả doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ một nền kinh tế được số hóa. Doanh nghiệp Việt Nam cũng được đánh giá là có đầy đủ những công cụ để có thể cạnh tranh trong khối ASEAN tích hợp kỹ thuật số, có thể gặt hái thêm nhiều lợi ích tiềm tàng hơn nữa.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, bên cạnh những cơ hội, thì nền kinh tế số, với những mô hình, phương thức kinh doanh mới cũng đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam. Đó là các thách thức về thị trường, nếu không thể nắm bắt được và hòa mình vào xu thế thời đại này, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thua cuộc trên chính sân nhà; hay lùi dần xuống những bậc thấp hơn, ít lợi nhuận hơn của các chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, theo ông Lộc, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin đang là một trong những thách thức lớn đối với lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam. Ngoài ra, môi trường pháp lý; thách thức về an ninh, bảo mật; thách thức trong triển khai thương mại điện tử cũng như khả năng thích ứng với nền kinh tế số của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là DNNVV...

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm