Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Doanh nhân trẻ "vượt bão" thành công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nhân trẻ đã chèo lái con thuyền doanh nghiệp “vượt bão” thành công, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai.

Anh Nguyễn Trần Tuấn Vũ-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Green Decor (05 Lý Nam Đế, TP. Pleiku) cho biết: Trước thời điểm dịch bùng phát, Công ty đã nhập một lượng lớn nguyên vật liệu nên hạn chế được rủi ro về đội giá. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm dịch bệnh, 15 lao động của Công ty vẫn duy trì làm việc, sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Công nhân sau khi được xét nghiệm đầy đủ thì làm việc tại xưởng; nhân viên kế toán và kinh doanh làm việc tại nhà qua mạng internet. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Công ty đã nhanh chóng lên kế hoạch, triển khai phương án khôi phục sản xuất kinh doanh.

“Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các công trình xây dựng cũng hạn chế. Vì vậy, Công ty đã có kế hoạch tăng cường kênh marketing, quảng cáo qua mạng, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Qua được giai đoạn khó khăn, Công ty có nhiều khởi sắc, doanh thu mỗi tháng đạt gần 1 tỷ đồng”-anh Vũ cho hay.

Anh Nguyễn Trần Tuấn Vũ-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Green Decor (bìa phải) không ngừng đổi mới cách quản lý để đưa doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Mai Ka
Anh Nguyễn Trần Tuấn Vũ-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Green Decor (bìa phải) không ngừng đổi mới cách quản lý để đưa doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Mai Ka

Chị Lê Thị Lý-Giám đốc Công ty Giáo dục Smart Kids Gia Lai (372 Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) cho rằng: “Dịch Covid-19 kéo dài khiến doanh nhân trẻ cảm thấy “hụt hơi”. Hoạt động ở lĩnh vực giáo dục nên chúng tôi bị ảnh hưởng trực tiếp và kéo dài. Năm học 2019-2020, các trung tâm giáo dục trên địa bàn tỉnh liên tục tạm dừng hoạt động gần 5 tháng; năm học 2020-2021 cũng ngừng hoạt động hơn 4 tháng. Hơn nữa, sau mỗi đợt dịch, tỷ lệ học sinh đi học lại chỉ còn 50-60% sĩ số lớp nhưng chi phí vận hành vẫn đảm bảo 100% nên Công ty phải liên tục bù lỗ”.

Tuy nhiên, khi hoạch định lại mọi thứ, chị Lý cho rằng, doanh nghiệp xem đây như một cơ hội để tinh gọn lại bộ máy và linh động hơn trong hoạt động. Công ty chuyển qua dạy-học online và may mắn nhận được sự đồng tình của phụ huynh học sinh. Bởi vậy, ngay sau dịch, sĩ số học sinh đã tăng lên và duy trì. Hiện 2 cơ sở của Công ty đang hoạt động khá tốt với 12 giáo viên và gần 400 học sinh.


Cũng thích ứng với tình hình dịch Covid-19, Công ty TNHH một thành viên Bò khô Huy Vũ (huyện Đak Đoa) đã chọn giải pháp tiêu thụ qua kênh online để tiết kiệm chi phí. Chị Trần Thị Diễm Kiều-Phó Giám đốc Công ty-chia sẻ: “Bò khô là sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Vì vậy, lượng tiêu thụ vẫn được đảm bảo thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử sản phẩm OCOP Gia Lai. Sản phẩm được nhiều người tin dùng, thị trường tiêu thụ mở rộng ra các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Ngoài ra, việc tham gia quảng bá sản phẩm tại gian hàng trực tuyến trên nền tảng công nghệ 3D giúp nhiều khách hàng biết đến, mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp”.

Chị Trần Thị Diễm Kiều-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên bò khô Huy Vũ (huyện Đak Đoa) đã chọn giải pháp tiêu thụ qua kênh online. Ảnh: Mai Ka
Chị Trần Thị Diễm Kiều-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên bò khô Huy Vũ (huyện Đak Đoa) đã chọn giải pháp tiêu thụ qua kênh online. Ảnh: Mai Ka
Giai đoạn 2015-2022, Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai có 3 lượt doanh nghiệp đạt giải thưởng “Sao Vàng Đất Việt”, 2 doanh nhân đạt “Giải thưởng Sao Đỏ-Doanh nhân trẻ tiêu biểu Việt Nam”, 4 doanh nhân đạt danh hiệu “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc”, 4 tập thể và 50 doanh nghiệp được trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Gia Lai”.

Theo ông Trần Văn Trong-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Dù vậy, với tinh thần đầy nhiệt huyết, các doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới cách quản lý, phương thức sản xuất kinh doanh để tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng tốt hơn. Thay vì hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua những hợp đồng lớn, họ đã tìm cách sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Dù giá trị kinh doanh thấp hơn nhưng các sản phẩm này đã góp phần đảm bảo cho doanh nghiệp tồn tại, phát triển.

Trong bối cảnh đó, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng đã định hướng, tái cấu trúc hoạt động nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu của hội viên, hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hội đã triển khai hướng dẫn, giới thiệu, kết nối hội viên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và UBND tỉnh tổ chức. “Vượt qua “cơn bão”, các doanh nghiệp đã có mức tăng trưởng tốt, trong đó có những doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng trên 60%. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực “chất xám cao” như: nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, công nghệ tin học, viễn thông, đào tạo và một số dịch vụ kỹ thuật, tư vấn… cũng phát triển không ngừng”-ông Trong thông tin.

 

 MAI KA

 

Có thể bạn quan tâm