Kênh đào Panama. Ảnh: Gonzalo Azumendi/ Stone RF/ Getty |
Cùng ngày, Cơ quan quản lý Kênh đào Panama (ACP) đưa ra thông báo nêu rõ sẽ giới hạn số lượng tàu thuyền cỡ nhỏ có đăng ký lưu thông từ trước đi qua các cửa cũ của kênh, từ 16 tàu mỗi ngày xuống 14 tàu. Điều này tạo điều kiện cho các tàu thuyền chưa đặt trước có thể đi qua kênh đào Panama nhằm giảm tình trạng ùn ứ và ách tắc. Kênh đào Panama cũng hạn chế tổng số lượng tàu thuyền được phép lưu thông qua kênh mỗi ngày là 32, thay vì 36 như thường lệ. ACP sẽ tiếp tục áp dụng quy định giới hạn mớn nước ở mức 13,41 m (44 feet) đối với loại tàu container neo-Panamax - tàu được thiết kế phù hợp với âu thuyền của kênh, kéo dài đến năm 2024.
Kênh đào Panama cần 200 triệu lít nước để cho phép một con tàu lưu thông. Thế nhưng nguồn nước chủ yếu được cung cấp từ hồ Gatun, nằm giữa tuyến đường thủy chạy ngang quốc gia Nam Mỹ, nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đang cạn kiệt nhanh chóng do khu vực đang trải qua một đợt hạn hán khốc liệt nhất kể từ năm 1950, và các nhà khí tượng dự báo El Nino sắp sửa xảy ra.
Kênh đào Panama là một tuyến đường thủy nhân tạo dài 82 km ở Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Trước khi kênh đào Panama được xây dựng, tàu biển thường phải đi vòng qua cực Nam của Nam Mỹ, là tuyến đường dài và nguy hiểm. Việc di chuyển qua kênh đào Panama đã rút ngắn hải trình hơn 13.000 km, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Khoảng 70% số tàu lưu thông qua kênh đào xuất phát từ hoặc hướng đến Mỹ, nơi nhiều nhà bán lẻ quy mô lớn như Walmart, Amazon và Target đang chuẩn bị hàng hóa đủ cung cấp cho các chương trình bán hàng giảm giá vào mùa đông. Mọi sự gián hoặc đình trệ lưu thông xảy ra tại kênh đào làm ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông hàng hóa trên toàn cầu.
Theo dự báo ACP đưa ra, doanh thu của tuyến thương mại hàng hải tấp nập nhất thế giới này sẽ giảm trong năm tài chính sắp tới. Ước tính, trong năm tài chính kéo dài từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, doanh thu của kênh đào Panama sẽ giảm từ 150 triệu đến 200 triệu USD, xuống còn 4,9 tỷ USD.
Kênh đào Panama được Mỹ xây dựng từ năm 1904 – 1914, phục vụ 14.000 tàu thuyền đi qua mỗi năm, là một phần thiết yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu.