Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Độc đáo bông tai ngà voi của các tộc người ở Bắc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các tộc người ở Bắc Tây Nguyên thích đeo các đồ trang sức để làm đẹp và thể hiện sự sung túc, giàu có. Trong đó, bông tai làm bằng ngà voi từng là món trang sức không thể thiếu của các tộc người ở Bắc Tây Nguyên, được nhiều gia đình, dòng họ giữ gìn như báu vật.
Dấu vết về tập quán sử dụng trang sức bằng ngà voi được tìm thấy ở dân tộc Jrai (tỉnh Gia Lai) và dân tộc Brâu, Rơ Măm (tỉnh Kon Tum). Tập quán đeo trang sức bằng ngà voi gắn liền với cuộc sống mưu sinh của các tộc người Bắc Tây Nguyên.
Con voi là sinh cơ của những gia đình giàu có, của các tù trưởng ngày xưa. Con vật thân yêu này là phương tiện chuyên chở, giúp đồng bào thăm thú, đến được những nơi xa để trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm, kéo gỗ làm nhà, là vật nuôi có thể đổi được nhiều tài sản giá trị khác.
Theo sử biên niên, vào năm 1751 thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, Vua Nước, Vua Lửa (Thủy Xá, Hỏa Xá) của người Jrai được ưu ái trong quan hệ với triều đình. Cứ 5 năm 1 lần, nhà vua sai người đến Thủy Xá, Hỏa Xá cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt và chén đũa bằng sứ). Vua Nước, Vua Lửa sắm sửa phẩm vật địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến tặng.
Tương truyền, vùng Tây Sơn Thượng đạo (An Khê ngày nay) là căn cứ đầu tiên của quân Tây Sơn. Đồng bào Bahnar, Jrai, Chăm đã đóng góp nhiều thớt voi và lương thực giúp Nguyễn Nhạc trong những ngày đầu khởi nghĩa. Trong những năm cuối thế kỷ XX, một số buôn làng của người Bahnar, Jrai... vẫn còn giữ nghề nuôi voi mà tiêu biểu là ở Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh). Ngà voi mà đồng bào có được từ voi nhà và thông qua trao đổi để có nguyên liệu làm đồ trang sức.
Phụ nữ dân tộc Brâu với trang sức bông tai ngà voi. Ảnh: Tấn Vịnh
Phụ nữ dân tộc Brâu với trang sức bông tai ngà voi. Ảnh: Tấn Vịnh
Để đeo được những đôi bông bằng ngà, đồng bào phải căng lỗ dái tai rộng ra. Khi mới 1, 2 tuổi, con gái Brâu đã được xâu tai. Càng lớn lên thì lỗ dái tai càng rộng hơn để có thể đeo những loại khuyên tai to bằng đồng, bạc, ngà voi, ống lồ ô. Họ thường dùng gai cây chanh để xỏ lỗ tai, gai cây chanh để nguyên mũi nhọn chỉ cạo sạch vỏ, dùng nước sôi nấu gừng bóp dái tai cho thật mềm trước khi xỏ lỗ tai. Sau đó, người ta lại vót cây khác to hơn vặn dần vào làm cho lỗ tai ngày càng căng to ra.
Người giàu có thường đeo cặp bông tai làm bằng ngà voi. Những miếng ngà voi gia truyền rất đẹp vì có đường vân nổi rõ trên bề mặt. Nó được cắt, tiện, mài thành nhiều kích cỡ phù hợp với cỡ lỗ dái tai, lứa tuổi. Với người già, 2 mẫu ngà voi kéo đôi tai dài đến tận gò má, đôi khi gần đến vai. Khi tiếp khách, đi thăm họ hàng, bạn bè, tham dự lễ hội... phải đeo cặp ngà để cho thêm phần sang trọng.
Người nghèo thì đeo khúc cây, khúc tre hoặc đeo đôi bông ngà voi giả. Chiếc ngà giả làm bằng củ mì phơi khô, xương thú vật khác. Trong khi các dân tộc Nam Tây Nguyên như: M’Nông, Mạ... cả nam, nữ đều thích đeo bông tai ngà voi thì các dân tộc Bắc Tây Nguyên như Brâu, Jrai... tập quán này chỉ thấy xuất hiện ở nữ giới.
Ngày nay, tập quán này còn sót lại ở người già. Bà Y Pế là người căng tai và đeo trang sức ngà voi cuối cùng của dân tộc Brâu. Người Jrai và Bahnar thì đã từ bỏ tập quán này từ lâu. Vào những năm cuối thế kỷ XX, một số phụ nữ Jrai ở huyện Chư Prông có đeo món trang sức này và cũng là những người cuối cùng làm đẹp bằng bông tai ngà voi. Đồ trang sức độc đáo và quý giá này chỉ là hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng Gia Lai.
Cũng như các đồ vật dân tộc học khác ở Tây Nguyên, trang sức ngà voi bị săn lùng ráo riết. Người Brâu ở Kon Tum lúc đầu bán 500 ngàn đồng/miếng ngà voi, sau đó giá tăng dần lên, vào năm 2013, bán 5 triệu đồng/miếng. Nhưng không phải gia đình nào cũng còn để bán. Đối với người dân địa phương, trang sức bằng ngà voi là bảo vật của gia đình, dòng họ nên họ cũng không dám bán.
Ngày nay, những chiếc bông tai ngà voi trở nên quý hiếm và ít người còn sử dụng. Cả vùng Tây Nguyên chỉ còn người M’Nông, Mạ, Brâu còn bảo lưu tập quán trang sức bằng bông tai ngà voi và đó là những tộc người cuối cùng còn làm đẹp với loại trang sức này. Giới trẻ chỉ thích đeo bông tai thông thường để làm đẹp chứ không thích căng tai để đeo bông tai bằng ngà như ông bà ngày xưa.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm