Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Độc đáo các mô hình khởi nghiệp sáng tạo thành công trong mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Quá trình khởi nghiệp thành công của Lê Thanh Ái Nhi và Phạm Thùy Thanh Thảo, ở Cần Thơ, là minh chứng cho con đường hiện thực hóa ước mơ, khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

 Các sản phẩm móc tay từ len của Lê Thanh Ái Nhi. (Ảnh: TTXVN phát)
Các sản phẩm móc tay từ len của Lê Thanh Ái Nhi. (Ảnh: TTXVN phát)


Dịch COVID-19 khiến người kinh doanh gặp không ít khó khăn, nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ phải đóng cửa do không kham nổi chi phí trong khi doanh thu không có. Chính vì vậy, việc khởi nghiệp và cầm cự được trong giai đoạn này đã được coi là rất dũng cảm. Thế mà, hai cô gái ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ không chỉ khởi nghiệp thành công mà còn có thu nhập rất ổn định.

Chủ tiệm len nơi quanh năm nắng nóng

Lê Thanh Ái Nhi sinh năm 1990, là chủ tiệm len handmade “Len Thỏ” tại phường Thới Bình, quận Ninh Kiều. Nhi chính thức bén duyên với sợi len năm 2013, khi vô tình xem được một đoạn clip hướng dẫn móc len trên mạng.

Tình yêu với những sợi len nhiều màu như được thổi bùng lên, cộng với đôi bàn tay khéo léo, Ái Nhi chính thức “liều mạng” khởi nghiệp cùng sản phẩm handmade móc len đầu tiên với số tiền vỏn vẹn một triệu đồng.

Ái Nhi chia sẻ trong những ngày đầu khởi nghiệp, như bao người trẻ khác, khó khăn chồng chất khó khăn. Một mặt, bản thân cô chỉ mới biết làm những sản phẩm đơn giản, chủ yếu là quần áo, nón, giày trẻ em; mặt khác, chưa ai biết đến Nhi trong thế giới đồ handmade.

Tuy nhiên, với lợi thế rành về internet, Ái Nhi đã tập trung kinh doanh trực tuyến bằng xây dựng fanpage, trang cá nhân riêng với thông tin cập nhật về sản phẩm hằng ngày. Khi mảng trực tuyến thuận lợi cũng là lúc người tiêu dùng lần lượt tìm đến với cô.

Năm 2015, cô mở cửa hàng nhỏ đầu tiên tại đường 30/4 với tên gọi “Len Thỏ," sau 2 năm, sản phẩm của cô làm ra đã phong phú hơn, cập nhật xu hướng mới phù hợp thị hiếu của khách hàng.


 

Các sản phẩm móc tay từ len của Lê Thanh Ái Nhi. (Ảnh: TTXVN phát)
Các sản phẩm móc tay từ len của Lê Thanh Ái Nhi. (Ảnh: TTXVN phát)


Tuy nhiên, tất cả những điều trên sẽ chưa thể tạo thành công nếu như Nhi không nhận được sự hỗ trợ vốn và các quảng bá sản phẩm ban đầu từ Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ninh Kiều. Năm 2018, Ái Nhi đã mạnh dạn tham gia Câu lạc bộ “Phụ nữ khởi sự kinh doanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thới Bình, quận Ninh Kiều. Tại đây, cô đã được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, có điều kiện đầu tư thêm vào việc kinh doanh của mình.

Chị Nguyễn Hoài Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, Cần Thơ cho biết Hội biết đến Ái Nhi thông qua các sản phẩm thủ công đầy sáng tạo. Ngoài việc giúp vay vốn, từ khởi điểm 20 triệu đồng đến nay là 50 triệu đồng, Hội còn đưa sản phẩm của Ái Nhi tham gia phiên chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, triển lãm hàng thủ công…

Qua mỗi lần tham dự giới thiệu sản phẩm, Hội thấy được sự yêu thích của khách hàng dành cho mặt hàng thủ công do “Len Thỏ” sản xuất. Có thể nói, Ái Nhi là một trong những tấm gương phụ nữ vươn lên khởi nghiệp thành công.

“Nhi là nhân tố tài năng trẻ truyền lửa để cho niềm đam mê của các bạn trẻ muốn khởi nghiệp tự tin hơn, định hướng cho mình trong tương lai", chị Hương nhấn mạnh.

Trong mùa dịch COVID-19, việc kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng gặp ít nhiều khó khăn. Do đó, Ái Nhi đã đẩy mạnh hình thức kinh doanh, đặt hàng trực tuyến.

Ái Nhi cho biết đây là mặt hàng không hư hao, hỏng hóc khi để lâu hay vận chuyển nên rất thuận lợi cho việc đặt và giao hàng online. Dù cũng chịu ảnh hưởng chung trong đại dịch, nhưng nhìn chung việc kinh doanh của “Len Thỏ” vẫn không đến mức khó khăn như một số ngành hàng khác.

Không chỉ khởi nghiệp làm giàu cho gia đình, Nhi còn hướng dẫn dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều bạn trẻ thông qua những lớp dạy học online, trực tiếp từ cơ bản đến nâng cao. Những bạn có tay nghề tương đối tốt, được Ái Nhi giao đơn hàng, tạo thêm thu nhập mối người từ 5-8 triệu đồng/tháng.

“Thực phẩm tí hon” Minitoy

Phạm Thùy Thanh Thảo bắt đầu khởi nghiệp với mô hình nặn đồ ăn mini bằng đất sét năm 2017 khi vừa chạm ngưỡng 23 tuổi. Đến nay, Thảo đã có một cửa hàng nho nhỏ kinh doanh sản phẩm tâm huyết của mình tại quận Ninh Kiều, cùng trang fanpage Minitoy để quảng bá online.

Cũng như bao người, giai đoạn đầu. Thảo “thất bại liên tục," sản phẩm làm ra không như mong muốn. Lúc đó, bản thân cô có chút hoang mang, nhưng rồi lại tự động viên mình rằng không có thành công nào đến một cách dễ dàng.

Hơn thế nữa, đã yêu thích thì phải theo đuổi đến cùng. Thế rồi, ngày gặt hái quả ngọt cũng đến với người kiên trì: “Tác phẩm đầu tiên như trái dâu, trái cam… tôi làm mấy tiếng đồng hồ mới xong. Sau này khi thành thạo, tôi làm nhanh hơn, chỉ trong vài phút," Thảo chia sẻ.

Thảo cho biết để làm ra sản phẩm thu nhỏ với kích thước bằng 1/12 vật thật, cô phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp như: nhào đất, trộn màu, tạo hình chi tiết, vẽ màu, phủ bóng hay phủ bảo vệ. Trong số đó, khâu khó nhất là lên màu sản phẩm sao cho giống y phiên bản thật. Hơn thế nữa, do làm theo phương pháp đất sét tự khô nên các thao tác của Thảo phải thật nhanh và chính xác trước khi đất sét khô.

Hàng handmade nên tất cả dựa vào đôi tay khéo léo, tùy vào độ khó của sản phẩm mà thời gian hoàn thiện cũng khác nhau, dao động từ một cho đến vài ngày, nhiều khi cả tuần lễ. Thế nhưng, con đường thành công của Thảo không chỉ có kiên trì, với hàng trăm sản phẩm phải bỏ đi, cùng nhiều đêm mất ngủ… mà còn phải có sự sáng tạo không ngừng nghỉ, không cho phép bản thân lặp lại của người khác và lặp lại chính mình.

 

Phạm Thùy Thanh Thảo nặn các mô hình đồ ăn mini bằng đất sét. (Ảnh: TTXVN phát)
Phạm Thùy Thanh Thảo nặn các mô hình đồ ăn mini bằng đất sét. (Ảnh: TTXVN phát)


Bốn năm qua, Thảo đã lao động miệt mài và nghiêm túc. Từ những mô hình trái cây đơn giản lúc đầu, Thảo đã tạo nên những mô hình đòi hỏi sự công phu, phức tạp hơn như: xe bán rau củ quả, sạp bán trái cây, xe bán bánh mỳ…

“Ý tưởng sản phẩm ở khắp mọi nơi, em nhìn thấy trong thực tế có mô hình gì hay là em chụp lại và về tìm cách mô phỏng bằng đất sét. Nhiều sản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ và màu sắc khó như da con mực, món hào nướng mỡ hành… em phải suy nghĩ và thử nhiều phương pháp mới cho ra thành phẩm như ý," Thảo cho biết.

Trang Fanpage Minitoy của shop có hàng ngàn người theo dõi, không chỉ ở Cần Thơ mà khắp mọi miền đất nước. Uy tín về những mô hình đất sét “tí hon” giống thật đến 99%, chất lượng, càng được khẳng định khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc gửi hàng cho khách, nhưng ai cũng chấp nhận chờ đợi, đơn hàng vẫn được đặt liên tục.

Từ những đối tượng ban đầu là khách lớn tuổi ổn định về kinh tế, đam mê sưu tập mô hình thu nhỏ, giờ chị cũng hướng đến nhóm khách hàng trẻ, có thể mua những sản phẩm với giá vài nghìn hay vài chục nghìn đồng. Sự linh hoạt trong kinh doanh đã giúp sản phẩm khởi nghiệp của chị tiếp cận được nhiều người hơn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bản thân.

“Bên cạnh những đồ ăn tí hon, tôi cũng nghiên cứu những đồ chơi cho búp bê, ví dụ như giấy khen, bằng khen, giấy dò số, đồ bán vé số… Đối tượng tôi hướng tới là cộng đồng người chơi búp bê, người có sở thích sưu tầm đồ chơi độc lạ. Thời gian tới, tôi vẫn tiếp tục tìm tòi nhiều chủ đề mới, cũng như kỹ thuật thực hiện mới để cho ra các sản phẩm độc đáo. Sắp tới, khi dịch bệnh qua đi, tôi dự định mở một lớp chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dạy lại cho những ai yêu mến, muốn theo đuổi bộ môn này” Thanh Thảo chia sẻ.

Quá trình khởi nghiệp thành công của Lê Thanh Ái Nhi và Phạm Thùy Thanh Thảo là minh chứng cho con đường hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp, khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Song song với đó là trách nhiệm của người trẻ đối với xã hội, thông qua những hoạt động hỗ trợ đội, nhóm, người lao động khác cùng có công việc và thu nhập ổn định như mình…

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ninh Kiều, hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương Ninh Kiều được xem là điểm sáng của Hội Liên hiệp phụ nữ quận. Nhiều năm liền, Hội luôn tích cực phát động phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình," Phụ nữ làm kinh tế giỏi," tổ chức “ngày hội việc làm," “tập huấn khởi nghiệp”… hỗ trợ vốn giúp đỡ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Đến nay, đã có gần 100 chị em phụ nữ khởi nghiệp thành công, với số tiền gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo Ánh Tuyết (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm