Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Độc đáo chiêng Kjeng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) có nhiều người Chăm sinh sống, trong đó, buôn Ma Giai tập trung đông nhất. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, cùng có tín ngưỡng đa thần và sinh sống đan xen với người Jrai từ lâu đời nên trong văn hóa ứng xử, tập tục cũng như những đặc điểm văn hóa truyền thống giữa người Chăm và người Jrai có những tương đồng nhất định.

Trong đó, việc sử dụng chung các loại nhạc khí là một biểu hiện cụ thể, nổi trội hơn cả là cồng chiêng. Chiêng Kjeng là bộ chiêng cổ của người Chăm, nhưng được người Jrai ở Đất Bằng sử dụng khá phổ biến trong các sinh hoạt văn hóa gia đình và cộng đồng. Chiêng Kjeng có giai điệu vui nhộn, chủ yếu được đánh trong các lễ mừng lúa mới, đám cưới, lễ cầu sức khỏe, lễ kết bạn (các lễ hội mang tính chất vui vẻ); không đánh trong các lễ hội buồn bã, trầm lắng như: tang ma, bỏ mả…

Ông Nay Thơi (buôn Ia Rbua) cho biết: Người Chăm và người Jrai đều gọi tên chung là chiêng Kjeng, đều đánh bộ chiêng này trong các sinh hoạt văn hóa, nghi thức, lễ cúng. Đặc biệt, người đánh chiêng Kjeng thường lớn tuổi và chiêng được đánh trong các lễ hội lớn, có vật hiến sinh là dê, heo, trâu, bò… và rượu. Vì vậy, khi giai điệu chiêng Kjeng ngân lên cũng là lúc những người đánh cồng chiêng đều đã lâng lâng trong men rượu. Anh Kpăh Y Khân (dân tộc Chăm ở buôn Ma Giai) cho biết: Chiêng Kjeng là loại chiêng cổ, thường do người lớn tuổi đánh. Lớp trẻ sau này ít người biết đánh chiêng Kjeng, chủ yếu đánh chiêng cải tiến. Một phần vì lớp trẻ ít chịu tìm hiểu, học hỏi cách đánh các bài chiêng cổ, một phần khi chiêng Kjeng vang lên cũng là lúc các già làng đã chếnh choáng hơi men. Vì vậy, việc truyền dạy, chỉ bảo cho lứa trẻ ít được thực hiện.

Người Chăm và người Jrai ở xã Đất Bằng cùng đánh chiêng Kjeng trong lễ hội. Ảnh: X.T

Người Chăm và người Jrai ở xã Đất Bằng cùng đánh chiêng Kjeng trong lễ hội. Ảnh: X.T

Bộ chiêng Kjeng có 6 chiếc, gồm 1 chiếc cồng có núm và 5 chiếc chiêng bằng. Cồng được cấu tạo gồm 3 phần: núm được làm theo hình bán cầu ở trung tâm mặt chiêng, là vị trí dùng để gõ, tạo ra âm thanh vang, ngân dài và có tiếng rung; mặt chiêng là mặt phẳng xung quanh núm chiêng; thành chiêng tạo hình một bản rộng bao quanh mặt chiêng theo hình thẳng đứng hoặc khum vào lòng chiêng. Chiêng bằng được cấu tạo 2 phần, mặt chiêng và thành chiêng. Vị trí đánh của chiêng bằng là ngay trung tâm mặt chiêng. Phần lớn người ta gõ vào mặt trong lòng chiêng, tuy nhiên, cũng có số ít gõ mặt ngoài. Mỗi chiếc đều có tên gọi khác nhau: cồng có núm được gọi là Pớt; 5 chiêng bằng được gọi lần lượt theo thứ tự từ lớn đến nhỏ: Ting, Tlá, Hló, Tnăh, Kcháo. Dùi đánh chiêng được làm từ loại cây gỗ mềm có thắt các dây tua rua nhiều màu sắc ở phần chuôi tạo sự uyển chuyển, bắt mắt hơn khi diễn tấu.

Cũng giống như nhiều bộ cồng chiêng khác, chiêng Kjeng do mỗi người đánh một cái, đi vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ quanh biểu tượng thiêng và vật hiến sinh. Trống, chũm chọe và lục lạc là những nhạc cụ đi trước, tiếp theo là cồng có núm, sau đó lần lượt đến các chiêng bằng từ lớn đến nhỏ. Khi đánh chiêng Kjeng được biên chế kèm theo 1 đến 2 chiếc trống nhỏ, lục lạc (Greng neng), chũm chọe (Rak rai). Mỗi khi người dân ở buôn Ma Giai tổ chức lễ hội truyền thống thì tiếng chiêng Kjeng luôn hòa nhịp, tạo không khí vui tươi, rộn ràng trong cộng đồng. Tiếng chiêng giúp con người giao tiếp với thần linh, là tiếng nói của con người mời thần linh đến chứng kiến sự ra đời, trưởng thành của đứa trẻ trong các lễ thổi tai, lễ trưởng thành, là tiếng rền vang vút tận trời xanh mời thần linh về chứng giám trong lễ mừng nhà mới, cúng cơm mới…

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay, bộ chiêng Kjeng ít khi sử dụng rộng rãi và có nguy cơ mai một. Lý giải vấn đề nay, ông Nay Thơi cho biết thêm: Chỉ những gia đình có điều kiện tổ chức lễ cúng và đánh chiêng Kjeng, bởi chiêng chỉ đánh trong các lễ hội có vật hiến sinh… gây tốn kém nhiều tiền bạc và của cải. Hơn nữa, chiêng do người lớn tuổi đánh nên khó huy động một lúc đông người. Do đó, mặc dù hiện nay xã Đất Bằng vẫn còn nhiều bộ chiêng Kjeng, nhưng ít khi được sử dụng.

Có thể bạn quan tâm