Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Độc đáo lễ ma tươi, ma khô của người Lô Lô Đen ở Cao Bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người Lô Lô Đen là một cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn còn lưu giữ những bản sắc rất riêng, thể hiện rất rõ nét qua kiến trúc nhà ở, sinh hoạt thường ngày và đặc biệt là trong hoạt động tín ngưỡng tâm linh ví dụ như lễ ma tươi.
 

 
Những điệu múa độc đáo theo nhịp trống đồng của người Lô Lô. Ảnh: V.T
Những điệu múa độc đáo theo nhịp trống đồng của người Lô Lô. Ảnh: V.T


Lễ tang của người Lô Lô Đen tại xóm Khuổi Khon (xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc) được chia làm 2 lần lễ: Ma tươi và ma khô.

Khi trong nhà có người mất thì lễ tang được tổ chức gọi là ma tươi, còn lễ ma khô được tổ chức lớn hơn, diễn ra nhiều ngày hơn rất tốn kém nên khi gia đình có đủ điều kiện kinh tế mới có thể thực hiện.

Trong gian giữa của nhà sàn là nơi đặt thi thể của người đã mất được làm một khung tre để treo rèm vải cùng với những chiếc áo của người phụ nữ Lô Lô, tất cả đều là trang phục của người thân trong gia đình.

Trước khi treo, mỗi chiếc áo sẽ được chủ nhân khâu một ký hiệu nào đó để nhận biết trang phục của mình khỏi nhầm lẫn với người khác.

Người mất là một cụ bà nên con cháu và anh em trong nhà gần xa đến rất đông. Trong lễ ma tươi gia quyến của người đã mất kiêng không được phép làm bất cứ công việc gì, mọi việc đã có làng xóm giúp đỡ. Người thân mặc trang phục truyền thống ngồi xung quanh bên ngoài tấm rèm hướng về phía đặt vị trí người đã mất.

Tại góc trái của gian nhà, một cặp trống đồng cổ được treo lên. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong lễ tang của người Lô Lô, luôn được đi theo cặp một trống lớn gọi là trống đực, trống nhỏ là trống cái.

 

Trống đồng là một vật dụng không thể thiếu trong nghi lễ. Ảnh: V.T
Trống đồng là một vật dụng không thể thiếu trong nghi lễ. Ảnh: V.T


Từ sáng sớm, anh em hàng xóm đã đến để giúp gia đình quét dọn, phát cây cỏ ngoài sân để chuẩn bị cho việc mổ bò và làm lễ. Những người phụ nữ khéo tay thì sảy gạo theo cách truyền thống và gánh nước, đàn ông khỏe mạnh hơn phụ trách việc thịt bò, nấu ăn, dựng dàn treo trống...

Vách gỗ bên trái gian nhà gần cầu thang sẽ được tháo ra để tận dụng làm phản để ngồi tại vị trí treo trống và làm lối ra khi đưa người đã mất đi chôn cất.

Khi trống được treo lên, một cây tre treo một tấm vải sặc sỡ được người dân nơi đây gọi chung là câu đối, tiếng trống đồng gõ vang lên thì người thân trong nhà lúc này cũng cất lên tiếng khóc.

Bữa cơm trong tang lễ cũng rất khác biệt với các dân tộc khác, thay vì sử dụng bát đĩa để đựng thức ăn thì người dân nơi đây lại dùng lá vả được hái trên rừng về, còn cơm thì được gói vào lá chuối đã hơ qua lửa.

Sau khi ăn cơm xong, một lát sau người thân của người đã khuất bắt đầu mặc trang phục truyền thống để chuẩn bị ra ngoài sân múa theo tiếng trống đồng, công đoạn quan trọng và đặc sắc nhất của nghi lễ.

Anh Chi Văn Tướng-Bí Thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Khuổi Khon cho biết: “Khi đánh tiếng trống thì người mới múa được, tiếng trống có ý nghĩa là tiễn người đã khuất. Ngày nay điệu múa đã được lược bớt để nghi lễ diễn ra nhanh hơn, nếu trời nắng hay mưa mà cứ phải múa vậy thì vất vả quá….”

Theo người dân địa phương cho biết, có hơn 30 điệu múa và nay đã cắt giảm đi nhiều. Người đánh trống cũng phải là người có kinh nghiệm vì mỗi điệu múa sẽ có cách đánh khác nhau, các em nhỏ hay những người nào muốn học đánh trống thì phải ngồi xem và học theo vì chỉ có những ngày làm lễ như vậy trống đồng mới được đem ra dùng, do được cất rất kỹ.

Điệu múa cứ thế xoay vòng theo nhịp trống, và theo quan niệm của người dân nơi đây chỉ có tiếng trống mới giúp cho linh hồn tìm được đường để trở về nhà.

 

https://laodong.vn/van-hoa/doc-dao-le-ma-tuoi-ma-kho-cua-nguoi-lo-lo-den-o-cao-bang-849176.ldo

Theo NGUYỄN VĂN TIỆP (LĐO)

Có thể bạn quan tâm