Trong kho tàng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, có một loại hình nghệ thuật vô cùng độc đáo là điêu khắc tượng gỗ dân gian. Từ lâu, loại hình nghệ thuật dung dị này đã góp phần làm nên nét đẹp đặc sắc, phong phú cho kho tàng văn hóa đời sống của người dân nơi đây.
2 tượng gỗ được trưng bày tại Liên hoan Tạc tượng gỗ dân gian tỉnh Kon Tum năm 2018 |
Tỉnh Kon Tum có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm 54% tổng dân số toàn tỉnh, trong đó, 6 dân tộc cư trú từ lâu đời, đó là: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Bờ Râu và Rơ Mâm. Có thể nói, Kon Tum là một trong những vùng văn hóa dân gian phong phú, đậm đặc và độc đáo của Tây Nguyên và trong cả nước. Bên cạnh cồng chiêng Tây Nguyên thì tạc tượng gỗ dân gian là loại hình nghệ thuật mang đậm những giá trị tinh thần, văn hóa của người Tây Nguyên nói chung, của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum nói riêng.
Tượng gỗ dân gian là những tác phẩm được các nghệ nhân sáng tác bằng các dụng cụ thô sơ như rìu, rựa... Các nghệ nhân thổi hồn vào gỗ bằng các kiểu, dáng, thế ngồi của từng bức tượng, diễn tả đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân buôn làng như phụ nữ giã gạo, dệt vải, đàn ông săn bắn, cả gia đình đi rẫy, già làng, chơi nhạc cụ, uống rượu cần... đến các con vật như voi, khỉ, mèo, chó... và cả đồ dùng, vật dụng thường ngày.
Bằng đôi tay khéo léo và tư duy sáng tạo, những thân gỗ đã được các nghệ nhân sáng tạo thành các tác phẩm nghệ thuật mang trong mình dấu ấn văn hóa và tâm linh đậm màu sắc thi ca của mảnh đất thiêng này. Mỗi nghệ nhân tạc tượng gỗ đều mang phong cách hết sức riêng biệt, họ để lại dấu ấn trên chính những tác phẩm của mình. Ví như những đường nét, bộ phận trên khuôn mặt mỗi bức tượng đều có biểu cảm riêng biệt, khác nhau. Chỉ cần nhìn gương mặt tượng gỗ, nhiều người cũng có thể nhận ra đó là người dân tộc nào. Một người tạc tượng giỏi không phải làm được nhiều tượng mà thể hiện ở sự khéo léo làm cho mỗi bức tượng toát ra thần thái, ý nghĩa. Tạc tượng gỗ rất khó, yêu cầu người tạc phải có sức sáng tạo, mắt quan sát và hơn hết phải kiên nhẫn. Các nghệ nhân phải tỉ mỉ, khắc họa chi tiết vào ánh mắt, khuôn mặt, mũi, miệng...
Tùy vị trí địa lý hay tộc người mà chủ đề tạc tượng của các nghệ nhân cũng thường khác nhau. Có người chuyên tạc những bức tượng về chủ đề muông thú, về đời sống thiên nhiên..., có những nghệ nhân lại thiên về chủ đề hôn nhân - gia đình, tình cha con, vợ chồng, trong khi các nghệ nhân khác lại ưa thích tạc tượng về chủ đề mang tính kế thừa giữa người già và người trẻ, thế hệ trước và thế hệ sau. Cũng có không ít nghệ nhân hướng đến hình mẫu người phụ nữ, bởi theo họ, phụ nữ luôn đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống, là người kết nối tình yêu thiêng liêng gia đình từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Tượng gỗ dân gian không chỉ được trưng bày, tô điểm cho nhà rông, các điểm giao lưu văn hóa... mà đặc biệt đối với các dân tộc như Ba Na, Gia Rai, tượng gỗ dân gian còn bày tỏ ý niệm tâm linh giữa những người trong gia đình đang sống và với những người thân trong gia đình đã mất.
Giống như những pho sử thi Tây Nguyên đồ sộ và độc đáo, tượng gỗ dân gian ở Tây Nguyên tuy đa dạng nhưng cũng thật dung dị và gần gũi. Đã bao đời nay vẫn vậy, những pho tượng gỗ dân gian được tạc, đẽo thô mộc, dãi dầu mưa nắng nhưng luôn mang đến cho người xem cảm giác mà trong đó vừa ẩn chứa hồn thiêng vừa như toát lên cốt cách con người, núi rừng Tây Nguyên... Những dân tộc anh em của núi rừng Kon Tum có chung một niềm đam mê là tạc tượng gỗ dân gian, họ yêu thương con người, yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu sông, yêu suối, yêu đời sống văn hóa lễ hội.
Nghề tạc tượng gỗ được duy trì theo hình thức cha truyền con nối. Nhưng, theo thời gian, loại hình nghệ thuật này đang dần mai một. Trước thực trạng đó, những năm qua, tỉnh Kon Tum thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển giá trị của nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian.
Nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4, Liên hoan Tạc tượng gỗ dân gian tỉnh Kon Tum năm 2018 đã được tổ chức vào tháng 12 năm 2018 nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung-Tây Nguyên, trong đó có nghệ thuật điêu khắc dân gian. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân của tỉnh Kon Tum trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong nghệ thuật và cuộc sống với nghệ nhân các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk, Đăk Nông, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Liên hoan đã giúp nhân dân, du khách nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị tinh thần, văn hóa của người Tây Nguyên nói chung, của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Hà An (bienphong)