TN - Đất & Người

Độc lạ: Làm cà phê mật ong, nhà nông Di Linh bán giá 500.000 đ/kg

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Với cách làm đặc biệt, người dân tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã làm ra những hạt cà phê đậm hương vị mang đặc trưng của cao nguyên này. Cùng với đó, việc chính quyền địa phương tạo điều kiện đưa sản phẩm cà phê vào chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã nâng tầm được giá trị mặt hàng cà phê Di Linh.
Cà phê mật ong
Đến cao nguyên Di Linh vào những ngày cuối tháng 11, chúng tôi được lãnh đạo Phòng NNPTNT huyện giới thiệu tới mô hình sản xuất cà phê khép kín của gia đình ông Trịnh Tấn Vinh (56 tuổi, xã Đinh Lạc) - nơi sản phẩm được huyện hướng đến xây dựng trở thành sản phẩm OCOP.
Ông Vinh cho biết, khu vườn rộng 1ha của gia ông mình được trồng phủ một lớp lạc dại, điều này giúp cho cà phê của ông ít bị sâu bệnh hại, không tốn công làm cỏ, đất được cố định đạm rất tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho cây cà phê phát triển.
 
Ông Trịnh Tấn Vinh giới thiệu sản phẩm cà phê mật ong do cơ sở của ông sản xuất theo quy trình khép kín.  Ảnh: V.L

Hiện nay, diện tích cà phê tại huyện Di Linh có hơn 44.000ha với sản lượng khoảng 128.000 tấn. Đặc biệt, với diện tích hơn 900ha cây macca (110ha cho thu hoạch) cho sản lượng 1,5 tấn/ha, hạt macca được các siêu thị tiêu thụ tốt và có giá trị cao.

“Vào năm 2008, tôi trồng thử nghiệm cây lạc dại ngay trong vườn cà phê của mình thì nhận thấy khu vực đó đất rất tốt, tơi xốp, nhiều mùn của giun. Đặc biệt, tôi nhận thấy nấm hay rệp trên cây cà phê không còn nữa. Vậy nên tôi đã trồng ra toàn bộ 1ha vườn của mình đến bây giờ” - ông Vinh chia sẻ.

Được biết, cà phê với thương hiệu Thuần Trịnh của ông Vinh được sản xuất khép kín từ khâu trồng, thu hái đến khi thành phẩm. Bình thường cà phê của người dân sẽ được thu hoạch vào đầu tháng 11 hàng năm, nhưng cà phê của ông Vinh được thu hoạch vào cuối tháng 11 - vào thời điểm này, quả cà phê sẽ chín cả hai nhân và có lượng đường vừa đủ. Khi thu hoạch cũng phải hái bằng rổ và chỉ lựa quả chín.
Sau mỗi buổi chiều thu hoạch về, cà phê sẽ được rửa sạch bằng nước, không để qua đêm. Tiếp theo, những mẻ cà phê sẽ được xay lụa (dùng máy chà phần vỏ bên ngoài) rồi phơi lên giàn cách đất 1m. Đặc biệt, bên trên giàn phơi sẽ được phủ kín một lớp nylon để ong, ruồi, muỗi không hút hết vị ngọt của cà phê. Khi phơi đủ nắng (từ 5 - 10 ngày), hạt cà phê sẽ có mùi thơm của mật ong.
Hiện tại, sản phẩm cà phê rang xay mộc được ông Vinh bán ra thị trường với giá 200.000 đồng/kg, cà phê mật ong được làm theo quy trình trên sẽ được bán với giá 500.000 đồng/kg. Trong năm 2019, ông Vinh bán ra thị trường  khoảng hơn 400kg cà phê mật ong.
3 sản phẩm đặc trưng
Nói về chương trình mỗi xã một sản phẩm tại địa phương, ông Vũ Hồng Long - Trưởng phòng NNPTNT huyện Di Linh cho biết, được sự hướng dẫn của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng), thời gian qua, đơn vị đã tích cực rà soát, thông tin tuyên truyền cho các hộ dân, HTX, doanh nghiệp để đăng kí các sản phẩm tham gia chương trình.
Đơn vị đang hướng dẫn hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đối với 3 sản phẩm là cà phê sạch, cây trang trí nội thất (cây thần tài) và hạt macca. Bên cạnh đó, Phòng NNPTNT huyện Di Linh đã thành lập Hội đồng đánh giá, chấm điểm để trong thời gian sắp tới sẽ tổ chức đánh giá các sản phẩm và trình Hội đồng OCOP cấp tỉnh đối với những sản phẩm đáp ứng đủ các tiêu chí.
Ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh nhận định, đối với chương trình mỗi xã một sản phẩm, địa phương xác định mục tiêu là mỗi xã sẽ có một sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, địa phương đang tập trung cho 3 sản phẩm trên. Đối với các sản phẩm này, người dân và doanh nghiệp đã và đang phát triển và đưa ra thị trường, vì vậy địa phương hỗ trợ bà con một số vấn đề về chuyên môn để họ sản xuất lớn mạnh hơn nữa.
Vì những lý do đó, huyện Di Linh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn phát triển các sản phẩm lợi thế, nâng cao giá trị nông sản của địa phương.
Văn Long (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm