Thể thao

Đội bóng xứ Nghệ trỗi dậy mạnh mẽ để tái đăng quang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đội bóng xứ Nghệ trỗi dậy mạnh mẽ để tái đăng quang ảnh 1
 
Cách đây chưa lâu, bóng đá xứ Nghệ suốt ngày phải vật lộn với chuyện cơm, áo, gạo, tiền… cho nên thành tích “bị” xem như là thứ xa xỉ. Và khi một số đội bóng doanh nghiệp đang lâm vào cảnh “thừa tiền thiếu thành tích” thì Sông Lam Nghệ An (SL.NA) trỗi dậy mạnh mẽ để tái đăng quang ngôi vô địch V.League sau đúng 10 năm vắng bóng. Bây giờ chính là lúc chúng ta hãy lắng nghe “thuyền trưởng” của SL.NA nói về chiến tích đội bóng của mình.


Xin chào huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng. Vô địch là sướng rồi, tuy nhiên một số người lại cho rằng, chiếc Cúp của SL.NA vừa đoạt đã được quy hoạch từ trước. Anh nghĩ sao về chuyện này?

Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng: Theo tôi được biết thì chữ “quy hoạch” trong bóng đá xuất hiện cách đây đúng một mùa bóng. Lúc đó người ta dùng từ này để ám chỉ việc Hà Nội T&T đăng quang chức vô địch mùa giải 2010 coi như đã được lập trình sẵn từ trước. Đó cũng đúng vào thời điểm tổ chức sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Còn trong mùa giải năm nay, tôi cũng đã được nghe ai đó nói rằng, SL.NA được quy hoạch đoạt chức vô địch đúng vào cột mốc 10 năm trước xứ Nghệ đoạt Cúp… Riêng tôi, chẳng có cái quy hoạch nào được đặt ra từ trước cả. Chiếc Cúp vô địch mà SL.NA đoạt được năm nay đó là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực không biết mệt mỏi của cả đội bóng. Nó được đổi bằng mồ hôi và nước mắt của nhiều người.

Chiếc Cúp vô địch mà SL.NA đoạt được năm nay hơi có phần xù xì nhờ vào lối chơi chém đinh chặt sắt, phản cảm bị nhiều người lên án?

Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng: Tôi nhớ rất rõ, SL.NA là đội bóng nhận thẻ đỏ nhiều thứ nhì, với 8 chiếc trong cả mùa giải, đứng sau Hòa Phát Hà Nội (9 chiếc). Trong khi đó số lượng thẻ vàng là 58, xếp ở vị trí thứ 6. Bóng đá là một môn thể thao đối kháng trực tiếp, muốn thắng được đối phương, ngoài yếu tố kỹ-chiến thuật phải chấp nhận va chạm khi tranh chấp bóng. Có lẽ cầu thủ của một số đội xuất thân trong gia đình có điều kiện về kinh tế nên sức chiến đấu của họ có phần thiếu quyết liệt. Còn đa phần cầu thủ SL.NA xuất thân từ gia đình nghèo khó, do đó họ phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, thi đấu rất máu lửa để hi vọng nhận được mức lương cao, nuôi sống bản thân và gia đình. Nói chung, ở SL.NA bóng đá là môn thể thao dành cho người nghèo, là cơ hội đổi đời cho những thanh niên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Làm giàu bằng cách này cũng đáng được cổ súy lắm chứ?!

Trước khi diễn ra trận chung kết giữa SL.NA gặp Hà Nội T&T, số tiền thưởng mà các nhà hảo tâm hứa sẽ tặng cho thầy trò của anh rất cao. Cầu thủ xứ Nghệ đã giàu to?

Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng: Đây là câu hỏi rất hay. Quả thật trước khi diễn ra trận đấu này báo chí đồn rằng số tiền thưởng mà SL.NA sẽ nhận được lên tới gần 20 tỷ đồng. Có cầu thủ nhẩm rằng, mỗi người chí ít cũng đút túi được 500 triệu đồng. Đây là số tiền trong mơ. Tôi là huấn luyện viên trưởng phải biết rõ chuyện này hơn ai hết. Thực ra đó là con số không chính xác mà ai đó đã tưởng tượng ra. Số tiền thưởng không tới mức đó. Kinh nghiệm sau nhiều năm làm bóng đá cho thấy, hứa là một chuyện còn thực hiện lời hứa lại là chuyện khác. Không ít doanh nghiệp họ hứa thưởng, nhưng để lấy được tiền thì chua như dấm. Tiền thưởng thuộc diện… “nợ khó đòi”.

Là người đã từng nếm đủ các cung bậc cảm xúc trong đời sống bóng đá Việt Nam, theo anh V.League hiện nay có “sạch” hơn trước đây không?

Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng: Tùy cách nghĩ của mỗi người. Riêng tôi không bao giờ lặp lại vết xe đổ trước đây.
Minh Vỹ (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm