Điểm đến Gia Lai

Đôi điều suy ngẫm về Krong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tháng 11 vừa qua, tôi có dịp trở lại xã Krong (huyện Kbang, Gia Lai) để tham gia hành trình về nguồn chào mừng thành công Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh lần thứ VII. Đây cũng là lần thứ 3 tôi được quay trở lại với bà con Bahnar của vùng căn cứ cách mạng.
Thời gian qua, xã Krong được tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư về hạ tầng cơ sở góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống nhân dân. Đặc biệt, tỉnh dành kinh phí lớn đầu tư xây dựng khu căn cứ cách mạng Krong nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lưu giữ di tích lịch sử, đồng thời giới thiệu, quảng bá phát triển du lịch vùng đất Kbang. Các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, chăm lo đời sống; hộ nghèo được tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; trẻ em được tạo điều kiện học tập thuận lợi; đường sá từ huyện vào xã, đường nội thôn được đầu tư xây dựng cơ bản giúp bà con đi lại, sinh hoạt thuận tiện... Thế nhưng, người dân nơi đây vẫn còn đó những khó khăn, thách thức khi mà toàn xã Krong hiện có tới 326 hộ nghèo, chiếm đến 24,96%, chủ yếu là đồng bào Bahnar. 
  Các em nhỏ Bahnar ở xã Krong. Ảnh: H.Y
Các em nhỏ Bahnar ở xã Krong. Ảnh: H.Y
Chuyến hành trình này có hoạt động tặng quà cho hộ nghèo làng Tăng Lăng. Từ trước 8 giờ sáng, dân làng đã có mặt đông đủ nơi nhà rông để chờ được nhận quà. Tôi tranh thủ hỏi chuyện một người mẹ trẻ: “Em tên gì, bao nhiêu tuổi mà giờ đã làm mẹ rồi?”. “Em tên Đinh Thị Ngheh, năm nay 21 tuổi”-Ngheh nhỏ nhẹ. Ừ thì đủ tuổi kết hôn, nhưng tôi vẫn thắc mắc hỏi tiếp: “Thế em bỏ học từ năm lớp mấy? Sao lại bỏ học?”. Ngheh đáp lại với chút e ngại: “Em bỏ học từ năm lớp 8 vì nhà không có điều kiện”. 
Thiết nghĩ, vấn đề đói nghèo, cuộc sống lạc hậu sẽ còn tiếp diễn, thậm chí kéo dài nếu như cấp ủy, chính quyền địa phương không thường xuyên tác động đến nhận thức, hành động của người dân nhằm thay đổi cách thức sinh hoạt, sản xuất. Vì vậy, ngoài việc quan tâm huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, ưu tiên thực hiện chế độ chính sách thì nhiệm vụ then chốt, quan trọng tiếp theo của cán bộ địa phương vẫn là chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp bà con xã Krong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa; vận động đổi mới về tư duy lao động, sản xuất thông qua việc hướng dẫn đồng bào Bahnar áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm đem lại năng suất cao; triển khai, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương để bà con học hỏi, thực hiện theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”...
Đặc biệt, mỗi cán bộ phụ trách thôn, làng cần kiên trì bám cơ sở để trực tiếp hướng dẫn bà con tổ chức đời sống gia đình đảm bảo các tiêu chí xanh-sạch-đẹp-an toàn, biết thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, chú trọng tuyên truyền, vận động con em đồng bào Bahnar đến trường học tập; tiếp cận, vận động các em học sinh có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến trường, qua đó nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc học tập trong xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.
KSOR H'YUÊN

Có thể bạn quan tâm