Kinh tế

Doanh nghiệp

Đổi mới sáng tạo: “Đòn bẩy” giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Đổi mới sáng tạo là một trong những công cụ đắc lực để thúc đẩy nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp ở Gia Lai đã sử dụng “đòn bẩy” đổi mới sáng tạo để hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

1. Xác định khoa học-công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu cho tăng trưởng và phát triển bền vững, ông Đàm Quang Huy-Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Coobee Việt Nam (thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) đã chú trọng liên kết hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực KH-CN với các đối tác lớn và tiếp cận thị trường theo hướng tạo ra các sản phẩm mật ong hoa cà phê theo nhu cầu sử dụng chuyên nghiệp.

Để sản phẩm có thể bảo quản trong thời gian dài, ông Huy đã xử lý mật ong qua các công đoạn với máy hạ thủy phần, phá kết tinh, khử nấm, diệt nấm bằng dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018.

“Ngoài chỉ dẫn địa lý, sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) bảo hộ thương hiệu. Đây chính là điều kiện để Công ty khai thác lợi thế địa phương, đưa đặc sản vùng miền kết hợp với KH-CN nhằm phát triển nhãn hàng Mật ong hoa cà phê Gia Lai”-Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Coobee Việt Nam cho biết.

Ông Đàm Quang Huy-Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Coobee Việt Nam chú trọng đầu tư vào khoa học-công nghệ theo hướng chuyên nghiệp đối với sản phẩm mật ong hoa cà phê (ảnh đơn vị cung cấp).

Ông Đàm Quang Huy-Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Coobee Việt Nam chú trọng đầu tư vào khoa học-công nghệ theo hướng chuyên nghiệp đối với sản phẩm mật ong hoa cà phê (ảnh đơn vị cung cấp).

Với mục tiêu tạo ra các sản phẩm theo nhu cầu sử dụng của khách hàng, Công ty TNHH Coobee Việt Nam đã chia mật ong thành 3 loại: mật ong pha chế, mật ong gia vị và mật ong sức khỏe. Mặc dù mới thành lập vào cuối năm 2023 nhưng đến tháng 5-2024, Công ty đã xuất bán lô hàng đầu tiên được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018. Hiện sản phẩm mật ong của Công ty đã có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị ở Gia Lai, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Chính đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp thương hiệu mật ong hoa cà phê Gia Lai được khẳng định trên thị trường. Ảnh: ĐVCC

Chính đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp thương hiệu mật ong hoa cà phê Gia Lai được khẳng định trên thị trường. Ảnh: ĐVCC

Ông Huy cho biết: Công ty đặc biệt chú trọng đổi mới sáng tạo trong các hoạt động như: kết hợp hình thức giữa phân phối online và phân phối kênh truyền thống; tập trung vào con người, chuyên sâu từng bộ phận riêng như kinh doanh và sản xuất; đầu tư chuyên nghiệp vào hình ảnh sản phẩm trên bao bì.

Cùng với đó, Công ty tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật. Chính việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH-CN đã giúp thương hiệu mật ong hoa cà phê Gia Lai được khẳng định trên thị trường.

“Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển buộc phải ứng dụng KH-CN, đặc biệt là những công nghệ cao. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải tích lũy nguồn lực về vốn, con người… Đổi mới công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm mới thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế trong định hướng phát triển gắn với thị trường, tạo không gian rộng mở phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”-ông Huy nhấn mạnh.

2. Với việc tận dụng kênh thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, bà Trần Thị Bé-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trần Lâm Gia Phát (tổ 1, phường Trà Bá, TP. Pleiku) đã đạt được những kết quả bước đầu trong khởi nghiệp và nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tặng bằng khen, Sở Công thương tặng giấy khen.

Bà Trần Thị Bé-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trần Lâm Gia Phát tận dụng kênh thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: M.K

Bà Trần Thị Bé-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trần Lâm Gia Phát tận dụng kênh thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: M.K

Thành lập năm 2018, Công ty TNHH một thành viên Trần Lâm Gia Phát chuyên sản xuất kinh doanh thực phẩm chế biến như: xúc xích, giò, chả, lạp xưởng, gà ủ muối, gà xông khói, heo sọc dưa một nắng, bò một nắng... Các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền máy móc hiện đại, sử dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Từ đó, Công ty đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo bà Bé, thương mại điện tử có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh hiện nay. Chính vì vậy, bà đã đẩy mạnh bán hàng online cũng như qua các kênh thương mại điện tử. Nhờ vậy, khách hàng dù ở xa vẫn có thể mua được sản phẩm, chỉ cần lướt web và click chuột sau đó ấn định thời gian nhận hàng. Với việc tận dụng thương mại điện tử, doanh thu bán hàng của Công ty có thể tăng gấp 2-3 lần, trong khi các chi phí trước kia như thuê cửa hàng hay thuê nhân viên có thể dùng để nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Việc tận dụng kênh thương mại điện tử giúp giảm chi phí bán hàng, mở rộng thị trường, nâng cao ưu thế cạnh tranh trong hội nhập kinh tế toàn cầu. Do đó, Công ty đang đẩy mạnh áp dụng kênh thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Hiện Công ty cung ứng ra thị trường trong cả nước và xuất khẩu sang Lào và Campuchia. Với 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: xúc xích heo, xúc xích gà lá é, giò lụa truyền thống, gà đồng bào xông khói, xúc xích tôm Biển Hồ, chúng tôi tự tin đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm rộng khắp trong và ngoài nước”-bà Bé thông tin.

3. Chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm nông sản địa phương, Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Thiêm (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) do ông Nguyễn Văn Thiêm làm Giám đốc đã trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công trên địa bàn. Khởi nghiệp từ chế biến hạt điều rang củi, ông Thiêm đã nỗ lực đưa sản phẩm nhanh chóng vươn ra thị trường.

Ông cho biết: “Sau khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, mã số, mã vạch và tiêu chuẩn cơ sở, sản phẩm hạt điều rang củi của Công ty đã có thương hiệu trên thị trường, xây dựng uy tín thương mại cũng như quảng bá nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị hàng hóa. Chúng tôi đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội”.

Ông Nguyễn Văn Thiêm-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Thiêm đã trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công từ nông sản địa phương. Ảnh: M.K

Ông Nguyễn Văn Thiêm-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Thiêm đã trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công từ nông sản địa phương. Ảnh: M.K

Trong xu thế phát triển của công nghệ, các chủ thể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như ông Thiêm đã có nhiều cách làm hay để quảng bá sản phẩm, kết nối với khách hàng. Theo ông Thiêm, có 2 lý do thôi thúc anh xây dựng thương hiệu hạt điều rang củi. Thứ nhất, hạt điều ở vùng đất Ia Grai có sự khác biệt so với các nơi khác. Thứ hai, hiện nay, hầu hết các thương hiệu hạt điều có mặt trên thị trường đều sử dụng phương pháp rang bằng điện khiến hạt mất đi màu và hương vị đặc trưng, trong khi rang củi thì hạt điều luôn giữ được hương vị truyền thống.

Các khâu từ lựa chọn hạt tươi đến chế biến và đóng gói bao bì đều được Công ty kiểm soát nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Lợi thế của tôi là xây dựng thương hiệu ngay trên vùng nguyên liệu của địa phương mình. Để có sản phẩm tốt nhất, tôi không ngần ngại tìm mua loại hạt điều chất lượng cao. Chỉ sau gần 5 năm, sản phẩm hạt điều rang củi của tôi đã có mặt tại thị trường 15 tỉnh, thành phố trong cả nước”-ông Thiêm chia sẻ.

Từ thành công của sản phẩm hạt điều rang củi, ông Thiêm bắt đầu mở rộng sang các sản phẩm như cà phê sạch, măng khô… Hiện nay, các sản phẩm này của anh đang được tiến hành làm thủ tục để xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương.

“Theo tôi, không có mô hình mẫu về KH-CN và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải tìm bước đi phù hợp với năng lực, nguồn lực và thực tiễn của mình”-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Thiêm khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở KH-CN: Đổi mới sáng tạo là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới. Gia Lai có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nền kinh tế năng động đang trong xu hướng phát triển đã tạo nhiều lợi thế cho sự hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, “làn sóng” khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lan rộng trong cộng đồng và nhận được sự quan tâm lớn từ các cấp, ngành, đơn vị liên quan đã thúc đẩy tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển bền vững, các cấp, ngành đang tiếp tục quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực am hiểu nhiều lĩnh vực, có khả năng tiếp cận và ứng dụng, kết nối được các nguồn lực để cùng hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời, xây dựng các cơ chế hỗ trợ và ưu đãi dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Có thể bạn quan tâm