Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Đời nô lệ của người Việt bị bán sang Anh trồng cần sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
10 tuổi, 'Stephen' bị đưa từ Hà Nội đến London, trải qua 4 năm dưới tay một băng đảng ma túy tàn bạo. Giờ đây cậu đối mặt nguy cơ bị trục xuất, trở lại quãng thời gian kinh hoàng.
Stephen (tên thật không được tiết lộ bởi có thể bị những tay buôn người phát hiện) đến Anh trong khoang sau của một ôtô đông lạnh, sau hành trình dài chỉ đi bộ và ngồi xe tải từ Hà Nội. Ở quê nhà, em là trẻ mồ côi và vô gia cư. Tới Anh, Stephen bị nhốt một mình trong ngôi nhà đã được cải tạo thành trang trại cần sa. Em bị băng đảng Việt Nam đã đưa sang ép làm công việc trồng cần sa trong suốt bốn năm.
Bước ngoặt tích cực đến với Stephen năm 16 tuổi khi cậu bị bắt trong một cuộc đột kích. Cảnh sát nhận ra cậu là nạn nhân của nạn buôn người. Stephen được cha xứ ở hạt Durham chăm sóc.
Stephen được dạy nói tiếng Anh lưu loát và tự học nấu ăn bằng cách xem các video trên YouTube. Cậu hy vọng sẽ trở thành đầu bếp và làm việc trong một nhà hàng Trung Quốc hoặc Thái Lan.
Thế nhưng, giờ đây khi Stephen 19 tuổi, Bộ Nội vụ phán quyết rằng cậu phải trở về Việt Nam. Stephen không có gia đình hoặc bạn bè ở đó, và cảm thấy mình có nguy cơ bị các băng đảng mang trở lại Anh.
Bất chấp việc Stephen là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, Bộ Nội vụ vẫn tuyên bố cậu không thuộc trường hợp tị nạn hợp lệ. Chiến dịch vận động xin ở lại Anh của Stephen đang được tiến hành trước buổi điều trần cuối cùng của tòa phúc thẩm vào ngày 5/2 để cố gắng lật đổ phán quyết.
Stephen đang có nguy cơ bị trục xuất về nước và rơi vào vòng luẩn quẩn của nạn buôn người. Ảnh: Guardian.
Stephen đang có nguy cơ bị trục xuất về nước và rơi vào vòng luẩn quẩn của nạn buôn người. Ảnh: Guardian.
Ngày 1-2, Stephen tới Văn phòng Nội vụ để chuyển thư cho Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd, yêu cầu được hỗ trợ. Hơn 100.000 người đã ký vào bản kiến nghị ủng hộ chiến dịch xin ở lại Anh của Stephen.
Câu chuyện của Stephen mang đến một cái nhìn sâu sắc hiếm hoi về việc trồng cần sa ở Anh. Dù nhiều sự tồn tại của nô lệ hiện đại không còn xa lạ gì trên đất nước này, phần lớn những người từng trồng cần sa đều không thể kể chi tiết về trải nghiệm của họ do quá lo sợ bị những tay buôn người trả thù. Chúng thường lấy gia đình họ ở Việt Nam làm công cụ để đe dọa.
Stephen thì không có gia đình ở Việt Nam và hy vọng việc công khai câu chuyện của mình có thể giúp cậu tránh bị trục xuất. Hồi tháng 1, Stephen đồng ý trả lời phỏng vấn Guardian trong phòng khách yên tĩnh ở nhà nguyện nơi mình từng được cưu mang trong ba năm.
Địa ngục
Bị bỏ rơi từ khi mới sinh rồi lại mồ côi lần nữa năm lên 9 tuổi khi người phụ nữ chăm sóc mình qua đời vì ung thư, Stephen từ vùng nông thôn lên Hà Nội, làm công việc đánh giày và bán báo, cho tới khi bọn buôn người phát hiện ra cậu và hứa hẹn một cuộc sống tốt hơn ở Anh.
"Họ hứa hẹn rất nhiều điều tốt đẹp, rằng họ sẽ cho tôi một cuộc sống tuyệt vời, họ chỉ nói dối tôi", Stephen kể. Cậu bước vào hành trình khó khăn qua khắp châu Âu và sau đó là bốn năm bị nô lệ dưới tay những kẻ buôn người, bị nhốt trong những căn hộ khắp nước Anh với nội thất và đồ đạc đã bị tước bỏ, thay thế bằng cần sa.
Trong chuyến đi dài từ Việt Nam, Stephen đã tới Nga và bị bán từ nhóm này qua nhóm khác. Sau đó cậu đến Ba Lan, rồi tới nơi được gọi là Vietnam City ở miền Bắc nước Pháp. Đó là khu trại bên một mỏ hoang từ nhiều năm nay được sử dụng làm nơi giữ những người Việt Nam bị bán sang Anh.
Trong suốt quãng đường đi bộ, chủ yếu vào ban đêm để tránh bị phát hiện, Stephen bị đánh đập "lúc thì bằng tay, lúc thì bằng gậy", buộc phải đi nhanh hơn. Cuối hành trình, cậu bị đưa lên phía sau một chiếc xe tải đông lạnh cùng bốn người khác. Khi tới Anh, người cầm đầu nhóm di chuyển bắt đầu đập vào thành xe cho tới khi tài xế bước xuống và mở cửa.
"Chúng tôi chạy tới một khu rừng, rồi người cầm đầu dùng điện thoại di động gọi cho ai đó trong băng người Việt ở Anh, họ đến và đưa chúng tôi đi", Stephen nói. "Đầu tiên chúng tôi đi qua đường cao tốc với rất nhiều cây cối xung quanh, rồi rất nhiều nhà cửa, rất nhiều lần tắc đường, đâu đâu cũng có đông người. Tôi nghĩ đó là London".
Bên trong một xưởng cần sa tại Anh. Ảnh: Wales News Service.
Bên trong một xưởng cần sa tại Anh. Ảnh: Wales News Service.
Stephen bị đưa tới một căn nhà có sáu phòng, phòng nào cũng trống và được chuyển thành nơi trồng cần sa. "Ba người ở lại đó trong vài ngày để chỉ cho tôi cách làm mọi thứ. Sau đó họ khóa cửa và bỏ tôi một mình", cậu kể. Stephen nghĩ lúc đó cậu khoảng 12 tuổi.
"Để tưới cần sa, tôi phải trộn nhiều chất lỏng và bột, hòa cùng nước. Đó là một công việc khó khăn, nguy hiểm và độc hại. Tôi thường bị chóng mặt và ốm sau đó", Stephen kể. "Trong nhà có khoảng 40 bóng đèn lớn, tôi phải rất cẩn thận với đống dây điện. Thỉnh thoảng tôi bị giật, cháy tóc hoặc bỏng tay".
Không thể nhìn ra phía ngoài bởi toàn bộ cửa sổ đều bị phủ bởi nhựa cách nhiệt dày, Stephen không biết lúc nào là ngày, lúc nào là đêm, cũng không biết mình đã ở đó nhiều tuần hay nhiều tháng. Cứ vài ngày, vào buổi tối, một nhóm người Việt tới kiểm tra số cây và đưa đồ ăn cho Stephen. "Có những lúc tôi làm sai gì đó và khiến vài cây bị chết. Họ nổi giận và đánh tôi. Cuộc sống tệ hơn nhiều khi còn ở Việt Nam".
Stephen được dạy cách thu hoạch cần sa và treo lên trần nhà để phơi khô. Những người bán lẻ thỉnh thoảng tới mua hàng và cậu thấy họ trao tay những khoản tiền lớn. Có lần, một băng đảng ma túy Anh đã đạp cửa xông vào, trói Stephen và lấy toàn bộ số cần sa đang đến kỳ thu hoạch.
Khi những người quản lý Stephen trở về, họ tức giận nhưng chỉ đưa cậu tới một địa điểm mới để cậu bắt đầu lại quá trình trồng cần sa. Stephen không còn bị nhốt trong căn nhà mới này, nhưng họ nói sẽ tìm và giết nếu cậu cố trốn thoát. Cậu đã không chạy trốn, vì chẳng biết phải đi đâu.
Tương lai vô định
"Tôi chỉ sống được ngày nào hay ngày đó, không thấy một chút tương lai nào. Chẳng ai đối xử tử tế với tôi". Stephen nghĩ tổng cộng mình đã trồng cần sa tại gần 20 căn nhà. Khi cậu 14 tuổi, cảnh sát đột kích vào một trong những ngôi nhà đó và hét lên với cậu. "Tôi không hiểu họ nói gì, tôi không biết tiếng Anh. Tôi đã rất sợ hãi, nghĩ rằng cảnh sát sẽ giết mình hoặc làm gì đó khủng khiếp, nhưng họ đưa tôi đến ở một gia đình Anh".
Những kẻ buôn người đã chuẩn bị trước cho tình huống này và cho Stephen số điện thoại của chúng. Sau hai ngày ở cùng gia đình chăm sóc cậu, Stephen gọi cho những kẻ buôn người và trở về bên chúng. "Tôi đã quá sợ hãi, nghĩ rằng mình bị bỏ tù. Thật là ngu ngốc".
Chúng bắt đầu cho Stephen hút cần sa, uống vodka và whisky trong mọi bữa ăn, và sử dụng một loại bột màu trắng mà cậu đoán là cocaine. "Lúc đầu nó khá tệ và tôi không thích, nhưng khi dùng tôi lại thấy mình khỏe mạnh hơn và có thể làm việc nhiều hơn, lúc không dùng, tôi rất mệt mỏi".
Không quen thuộc với khái niệm nô lệ nhưng giờ đây Stephen hiểu những gì mình từng trải qua. "Tôi nghĩ mình từng là một nô lệ. Tôi làm việc cho họ một thời gian dài, nhưng chẳng nhận được gì. Họ nói tôi nợ họ rất nhiều tiền vì chuyến đi này, nên tôi phải làm việc, chỉ được ra đi khi trả đủ tiền cho họ. Nhưng đến khi tôi hỏi việc đó mất bao lâu thì họ đáp 'Mày không được phép hỏi điều này'".
Mỗi lần có cây chết hoặc bị lấy mất, họ đều nói với Stephen rằng đó là lỗi của cậu, và số tiền nợ lại tăng lên. Họ nói cậu nợ họ 100.000 USD, dù cậu chẳng hiểu gì về số tiền đó.
Sau một cuộc truy quét khác, Stephen bị cảnh sát bắt lần thứ hai khi 16 tuổi. Lần này một thông dịch viên đã giúp cậu hiểu rõ hơn tình huống. Stephen được gửi tới gia đình của vị cha xứ và rất vui mừng khi thoát khỏi những tay buôn người.
Trẻ em nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và cho những tay buôn người bán sang Anh để lao động trong các xưởng cần sa. Ảnh: Guardian.
Trẻ em nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và cho những tay buôn người bán sang Anh để lao động trong các xưởng cần sa. Ảnh: Guardian.
Stephen rất hiểu rằng mình không phải người duy nhất phải trải qua những điều như vậy. Cậu đã gặp hàng chục cậu bé khác giống mình trong thời gian làm việc, trẻ nhất chỉ mới khoảng 10 tuổi. "Cậu bé đó khóc vì nhớ bố mẹ và gia đình", Stephen kể. Cậu biết vì sao những đứa trẻ Việt Nam nghèo như mình lại là mục tiêu.
"Bọn buôn người không thể khống chế người Anh", cậu nói. Đôi khi đi qua những thị trấn gần nơi mình ở, Stephen nghĩ cậu nhận ra các xưởng cần sa qua những mái nhà không đóng băng bởi hơi nóng từ các bóng đèn.
Khắp nước Anh, nhiều thanh thiếu niên Việt Nam đang bị buộc phải làm việc trong điều kiện tương tự. Vài năm trước, nếu bị bắt, họ sẽ bị đưa đến các cơ sở giáo dưỡng. Còn hiện nay, họ được coi là nạn nhân của nạn buôn người nhưng phần lớn bị từ chối tị nạn, trục xuất về Việt Nam. Họ lại trở về nhà, gặp lại những tay buôn người và lại bị đưa sang Anh.
Tổ chức chống buôn người Ecpat hy vọng sự phẫn nộ về vụ việc của Stephen sẽ thúc giục việc cải tổ hệ thống hỗ trợ các nạn nhân. Gần đây, Ecpat đã mang đến Việt Nam một phim hoạt hình ngắn giải thích những rủi ro khi bị rơi vào những đường dây buôn người, trình chiếu cho trẻ em ở những vùng nông thôn nghèo.
Trước phán quyết cuối cùng về lệnh trục xuất, Stephen rất lo lắng về viễn cảnh phải trở lại Việt Nam. Người mẹ nuôi cho hay cậu bị khó ngủ. "Chúng tôi coi cậu ấy là thành viên trong gia đình, luôn có phòng sẵn sàng mỗi khi cậu ấy cần một mái nhà", bà nói. "Chúng tôi không muốn cậu ấy phải về nước".
Hoa Hạ (zing)

Có thể bạn quan tâm