Xã hội

Đời sống

Đời sống cán bộ, công chức, viên chức ra sao sau sắp xếp đơn vị sự nghiệp?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, cần có những số liệu đánh giá sau sắp xếp thì bao nhiêu phần trăm đơn vị sự nghiệp công lập tốt lên, đạt yêu cầu về tinh giản tổ chức, biên chế; bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cán bộ, công chức, viên chức.

Ngày 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị) giai đoạn 2018-2023.

Tại phiên họp, quan tâm đến việc triển khai chính sách xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, việc triển khai chính sách này đang chững lại, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Với giải pháp sửa đổi, bổ sung các luật về thuế hỗ trợ doanh nghiệp ngoài công lập được nêu trong báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, giải pháp này chưa bảo đảm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân; “còn rất xa để đạt được sự bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ công giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp tư nhân”.

Trên cơ sở đó, ông Lê Quang Mạnh đề nghị cần có giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tham gia xã hội hóa cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Trong đó, cần xây dựng cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của từng lĩnh vực; Nhà nước vẫn phải bố trí ngân sách bảo đảm phù hợp chức năng của các đơn vị trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động.

Đồng thời cần tự chủ toàn diện và đồng bộ giữa nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, bộ máy, con người và tài chính, tài sản; bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế đánh giá hiệu quả của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đối với những vấn đề mới, chưa được luật quy định hoặc chưa được thực tiễn kiểm nghiệm nhưng cần thiết đối với quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024 để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cũng tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhận định, chất lượng, hiệu quả sau khi đổi mới tổ chức quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập trong báo cáo giám sát đang còn thiếu số liệu, thông số để phản ánh.

“Chẳng hạn như sau sắp xếp thì bao nhiêu phần trăm đơn vị tốt lên, đạt yêu cầu về tinh giản tổ chức, biên chế; bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cán bộ, công chức, viên chức… Đó là những kết quả cuối cùng chúng ta mong muốn đạt được sau khi sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Nghiên cứu sâu hơn về 3 “điểm nghẽn”

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, vấn đề quan trọng nhất phải làm sao thấy được hạn chế, tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Chủ tịch Quốc hội lưu ý về "độ trễ, chậm" như báo cáo đánh giá.

Cụ thể, chậm trong thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, còn 88 nội dung theo yêu cầu chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương chưa được ban hành. Trong nghị quyết cần có danh mục 88 nội dung này nằm ở Chính phủ, bộ, ngành, đơn vị nào để tới đây khắc phục.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ việc tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập ở nhiều trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh… đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ, ngành còn nhiều, việc chuyển giao về địa phương quản lý còn chậm.

Vậy các giải pháp đã thực sự đủ mạnh, đã bao trùm, giải quyết đến nơi, đến chốn và khắc phục dứt điểm các điểm hạn chế, tồn tại hay chưa? Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu sâu hơn về 3 “điểm nghẽn”.

Thứ nhất, giải quyết cho được tính cơ học là chủ yếu trong sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai, tính bền vững, đồng bộ trong thực hiện cơ chế tự chủ.

Thứ ba, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, bây giờ đi đâu cũng nói hoàn thiện thể chế nhưng hoàn thiện cái gì, hoàn thiện ở đâu phải chỉ ra.

Tại phiên họp, với 100% thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về nguyên tắc nội dung cơ bản của Nghị quyết giám sát chuyên đề này.

Theo Luân Dũng (TPO)

Có thể bạn quan tâm