Điểm đến Gia Lai

Đổi thay làng căn cứ cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 48 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của cộng đồng, những ngôi làng vùng căn cứ cách mạng ở Gia Lai đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

1. Groi là làng đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của xã Kon Thụp và 5 xã phía Đông huyện Mang Yang đạt chuẩn nông thôn mới. Quá trình phát triển của làng Groi đã minh chứng cho tinh thần đoàn kết, quyết tâm của người dân.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ksor Y Lâm cho biết: Làng hiện có 333 hộ/1.582 khẩu, trong đó có 155 hộ người Bahnar, 109 hộ người Kinh và 50 hộ người Tày. Những năm qua, dân làng đã chủ động cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài cây lúa, cây mì, bà con còn trồng cà phê, bời lời, hồ tiêu, chanh dây, cây dược liệu... Những diện tích hồ tiêu bị chết hoặc diện tích cà phê già cỗi được thay thế bằng giống cà phê TR4, TR9 cho năng suất cao và trồng xen cây ăn quả. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng.

Một góc làng Groi, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang hôm nay. Ảnh: Phương Dung

Một góc làng Groi, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang hôm nay. Ảnh: Phương Dung

Bà Đinh Thị Khoan chia sẻ: “Sau ngày giải phóng, mình theo chồng về làng sinh sống và chứng kiến những đổi thay của vùng đất này. Làng Groi bây giờ là làng mới. Còn làng cũ cách đây 1 cây số. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày một khang trang. Bà con ở nhà sàn, nhà xây kiên cố quây quần đông vui. Nhà nước quan tâm thực hiện chế độ chính sách cho người có công, hỗ trợ người yếu thế. Vợ chồng mình đều có chế độ bệnh binh hàng tháng”.

Còn ông Đinh Jur thì kể: “Sau ngày giải phóng, nhà nào cũng nghèo. Bà con trồng mì, trồng lúa, nuôi heo, gà rồi trao đổi cho nhau. Đất đai cằn cỗi, trình độ canh tác lạc hậu nên chưa hết năm trong nhà đã hết gạo, hết mì. Giờ không còn ai đói nữa. Bà con biết cách làm ăn nên thu nhập được cải thiện. Người Kinh, người Tày, Nùng đến đây sinh sống và cùng tham gia xây dựng buôn làng”.

Theo Trưởng thôn Ksor Y Lâm, rào cản lớn nhất của người dân là trình độ nhận thức. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động rất quan trọng. “Ban đầu, bà con chưa hiểu rõ chủ trương cũng như việc tham gia đóng góp làm đường giao thông nông thôn. Khi được phân tích, giải thích, các hộ dân cùng nhau lùi hàng rào, hiến đất để mở đường. Riêng năm 2022, người dân hiến đất, tham gia ngày công làm thêm 1 km đường bê tông. Đến nay, 80% tuyến đường nội thôn đã được bê tông hóa, những tuyến đường còn lại khi có chủ trương, có vốn, bà con sẵn sàng hiến đất, tham gia ngày công để hoàn thiện”-ông Y Lâm phấn khởi nói.

2. Từ trung tâm làng Bạc 1 (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông), chúng tôi theo chân Trưởng thôn Rơ Mah Kớt đến khu vực mà 61 năm về trước, Mỹ-ngụy đã nổ súng thảm sát khiến 162 người dân bị giết, bị thương.

Ông Siu Te-người từng tham gia quân ngũ, bị địch bắt tù đày tại Côn Đảo-hồi nhớ: Năm đó, người dân các làng bị Mỹ-ngụy dồn vào ấp chiến lược. Người già thì bị đánh đập, thanh niên thì chúng bắt cầm súng bắn giết đồng bào. Cuộc sống giam cầm rất cực khổ nên khi bộ đội, du kích phá ấp, dân làng đồng lòng hưởng ứng, rồi quay về làng cũ. Tức tối nên khi quay lại, chúng vào làng bắt hết những người có mặt xếp thành hàng tra hỏi. Dân làng phản ứng, đấu tranh, kiên quyết không khai nơi che giấu bộ đội, không trở lại ấp chiến lược nên chúng điên cuồng nổ súng. Bố mẹ vợ, anh và em vợ ông đều bị chúng sát hại.

Có bố và anh rể là nạn nhân của vụ thảm sát, bà Siu H’Noanh-nguyên Xã đội phó xã E5 (nay là xã Ia Phìn) cho hay: “Điều đó không làm cho dân làng sợ hãi mà chỉ thêm căm thù, quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược và tay sai. Dân làng tích cực sản xuất, tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược ủng hộ bộ đội đánh giặc. Khi địch vào làng càn quét, cướp bóc, bà con đồng loạt đứng lên đấu tranh. Chúng bắt bớ, đánh đập thế nào cũng không khai, không theo”.

Sau ngày giải phóng, bà H’Noanh tiếp tục tham gia công tác thanh niên, phụ nữ tại địa phương đến năm 2004 thì nghỉ hưu. Về làng, bà tiếp tục tham gia 3 nhiệm kỳ Bí thư Chi bộ. Chứng kiến những đổi thay của làng Bạc, bà chia sẻ: “Bây giờ, đời sống của dân làng ngày một tốt hơn. Bà con nuôi nhốt gia súc trong chuồng, lấy phân bón cho cây trồng; các mô hình phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh tự quản góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Bà con cũng bỏ dần hủ tục, việc cưới, việc tang chỉ tổ chức 1-2 ngày”.

Bà H'Noanh nhắc nhớ về những năm tháng chống Mỹ đầy bi hùng của người làng Bạc 1. Ảnh: Phương Dung

Bà H'Noanh nhắc nhớ về những năm tháng chống Mỹ đầy bi hùng của người làng Bạc 1. Ảnh: Phương Dung

Mặc dù đời sống người dân đã có nhiều khởi sắc, nhưng ngôi làng người Jrai này vẫn còn nhiều khó khăn. Làng Bạc 1 còn 59 hộ nghèo, 29 hộ cận nghèo; 8 tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa đạt. “Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tham gia xây dựng làng nông thôn mới. Rất mong các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ để làng đạt chuẩn nông thôn mới, giúp cuộc sống của người dân ổn định hơn”-ông Kớt bày tỏ.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông-cho hay: Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương dành sự quan tâm đối với các làng kháng chiến cũ. Đó là trách nhiệm, đạo lý và cũng vì mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no. Nhiều cơ quan, đơn vị tích cực tham gia tuyên truyền, vận động và hỗ trợ giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên trong cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm