TN - Đất & Người

Đổi thay ở Ia Blang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ một vùng đất nghèo nàn về kinh tế, an ninh trật tự phức tạp, đến nay, Ia Blang đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Tháng 1-2016, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã Ia Blang được thành lập năm 1979, nằm ở phía Tây Nam thị trấn Chư Sê. Toàn xã hiện có 2.050 hộ (10.560 khẩu) ở 17 thôn, làng.

Theo Chủ tịch UBND xã Hà Đình Thủy, ngày đầu thành lập, vùng đất này phần lớn còn bao phủ bởi rừng rậm, dân cư sống thưa thớt, rải rác; sản xuất nông nghiệp lạc hậu, đói kém thường xuyên xảy ra. Thêm vào đó, bọn phản động FULRO liên tục hoạt động khiến cho tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn của Ia Blang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

 

Ông Dũng là một trong những người tiên phong thử nghiệm trồng hồ tiêu ở Ia Blang. Ảnh: Hồng Thi
Ông Dũng là một trong những người tiên phong thử nghiệm trồng hồ tiêu ở Ia Blang. Ảnh: Hồng Thi

Từ sản xuất cây lương thực ngắn ngày, năm 1994, một số hộ dân của xã vào tận Lộc Ninh (Bình Phước) mang giống hồ tiêu về trồng thử nghiệm. Đây được coi là một bước ngoặt lớn giúp Ia Blang khởi sắc.

Ông Nguyễn Trọng Dũng (thôn Vinh Hà)-một trong những người tiên phong thử nghiệm trồng hồ tiêu trên địa bàn-chia sẻ: “Hồi đó tôi vào Bình Phước thăm bà con và thấy trong ấy ai ai cũng trồng tiêu cho thu nhập khá cao. Xét thời tiết, thổ nhưỡng ở Ia Blang cũng tương đối phù hợp nên tôi đã mạnh dạn đem giống tiêu về trồng”. Sau thành công của ông Dũng và một số hộ khác, người dân trên địa bàn xã (kể cả đồng bào dân tộc thiểu số) bắt đầu thử sức với cây tiêu ngày một đông. “Thấy người Kinh trồng cây tiêu hiệu quả, cả làng tôi cũng bắt chước trồng theo. Giờ đây ai cũng thu nhập 200-400 triệu đồng/năm”-anh Siu Hol (làng Nhă) vui vẻ nói.

Cao su và cà phê cũng được người dân Ia Blang đưa vào sản xuất. Nhờ thế, đời sống của nhân dân trong xã được cải thiện rõ rệt. “Nếu năm 1992, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 2,5-3 triệu đồng/năm thì 4 năm sau, con số ấy đã lên tới 12-13 triệu đồng. Ia Blang được xếp vào hàng các xã khu vực nông thôn có thu nhập cao trên cả nước lúc bấy giờ”-ông Thủy cho biết.

Năm 2010, Ia Blang là một  trong 2 xã điểm của huyện Chư Sê thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ngay từ khi triển khai, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý và 13 Ban Phát triển thôn, làng; đồng thời tiến hành khảo sát lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cũng được triển khai sâu rộng, kịp thời. Xã đã vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả; ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, điện sinh hoạt… Ngoài ra, xác định nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân là một trong những nhiệm vụ then chốt, tạo tiền đề để thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân. Các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả; người nghèo ngày càng được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội.

Đến cuối năm 2015, xã đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định. Bộ mặt nông thôn ở Ia Blang đã có sự đổi thay rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khoảng 13%; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 28 triệu đồng/năm; trong xã không có hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 6,9%.

Chủ tịch UBND xã Hà Đình Thủy cho biết, thời gian tới xã sẽ kiện toàn, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân quyết tâm duy trì và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí đã đạt.

Mộc Trà-Lệ Hằng

Có thể bạn quan tâm