Phóng sự - Ký sự

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.

Cánh cửa làng phong cũng đã mở, không còn là chốn biệt lập cô đơn như trước.

Sơ Lucia Hoàng Thị Mỹ Dung phát cơm miễn phí cho các bệnh nhân cao tuổi tại làng phong.

Từ những ngày “Đất Quy Nhơn gầy, đón chân chàng đến”

Làng phong Quy Hòa thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), được thành lập vào năm 1929 do linh mục người Pháp Paul Maheure và bác sĩ Lemoine của Bệnh viện Bình Định. Ban đầu Quy Hòa là nơi các bệnh nhân phong từ khắp nơi trong nước đến để điều trị và sống cách ly với cộng đồng. Thời điểm đó, ngoài đối mặt với bệnh tật, các bệnh nhân phong phải đối mặt với sự kỳ thị từ cộng đồng, bị xa lánh và coi thường. Quy Hòa không chỉ là nơi xoa dịu những cơn đau thể xác, mà còn là trốn an trú tinh thần cho những bệnh nhân, tránh sự soi mói của người đời. Nhờ sự giúp đỡ và cưu mang của Ủy ban Kháng chiến Liên khu V, các tu sĩ dòng thánh Phanxicô và các tổ chức từ thiện trong nước, quốc tế, nhiều người mắc bệnh phong đã có nơi nương tựa đến cuối đời. Tháng 6/1976, các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai chuyển Bệnh viện Phong Quy Hòa cho Bộ Y tế điều hành, Bệnh viện Phong Quy Hòa được đổi tên thành khu điều trị phong Quy Hòa. Năm 1999, Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa chính thức được thành lập. Nhiều thập kỷ qua, không chỉ là nơi chữa bệnh, làng phong đã trở thành ngôi nhà, thành gia đình, thành quê hương của nhiều thế hệ.

Nhắc đến làng phong Quy Hòa, không thể không nhắc đến thi sĩ Hàn Mặc Tử - một trong những tên tuổi lớn của nền thơ ca Việt Nam. Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã tìm thấy sự bình yên tại làng Quy Hòa trong những năm tháng cuối đời khi ông bị mắc bệnh phong. Sinh năm 1912, Hàn Mặc Tử là một tài năng thơ ca với những tác phẩm để đời, mang đậm chất lãng mạn và đượm buồn. Khi phát hiện mình mắc bệnh phong, Hàn Mặc Tử đã tìm đến làng Quy Hòa để chữa trị và sinh sống. Nơi đây, ông tiếp tục sáng tác những vần thơ đầy cảm xúc, thể hiện nỗi đau, sự cô độc và niềm hy vọng le lói của một người nghệ sĩ đối diện với căn bệnh nan y. Những vần thơ của ông không chỉ là tiếng lòng của một người nghệ sĩ mà còn là sự chia sẻ, đồng cảm với những bệnh nhân phong khác tại làng Quy Hòa.

Nhiều năm sau, bệnh phong được xác định có thể chữa khỏi, làng phong cũng cởi mở hơn, không còn là chốn biệt lập với thế giới, người ta vẫn tìm đến làng phong Quy Hòa, để tưởng nhớ người thi sĩ tài hoa bạc mệnh, nhưng vẫn tràn đầy tình yêu người, yêu cuộc sống. Dấu vết Hàn Mặc Tử vẫn còn đâu đó trên mảnh đất Quy Nhơn, vẫn gợi nhớ bóng hình của “kẻ bán trăng” tuyệt vọng.

Làng phong đã mở

Những năm gần đây, dưới sự quan tâm, đầu tư của chính quyền và cộng đồng, cuộc sống của những bệnh nhân phong tại làng Quy Hòa đã có nhiều thay đổi tích cực. Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế) được nâng cấp với các thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ tận tâm và chuyên nghiệp, mang lại sự chăm sóc y tế tốt nhất cho bệnh nhân. Không chỉ dừng lại ở việc điều trị bệnh lý, làng Quy Hòa còn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân phong. Các chương trình hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề nghiệp giúp họ có thể tự lập, kiếm sống và hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó, làng Quy Hòa còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí để giúp các bệnh nhân phong thư giãn, giải tỏa căng thẳng và rèn luyện sức khỏe. Những buổi giao lưu, ca hát, thi đấu thể thao đã tạo nên một không khí vui tươi, ấm áp và gắn kết giữa các bệnh nhân phong và cộng đồng. Từ những người từng mất hết niềm tin vào cuộc sống, giờ đây họ đã có thể tự mình lao động, sản xuất và nuôi sống bản thân.

Trong quá trình đổi thay này, vai trò của các sơ, nữ tu tại đây là vô cùng quan trọng. Các sơ không chỉ chăm sóc sức khỏe mà còn đóng vai trò là những người bạn, người thân đối với bệnh nhân phong. Trong suốt mấy chục năm qua, các sơ tại đây đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện như cung cấp lương thực, thực phẩm, hỗ trợ tài chính và tinh thần cho các bệnh nhân. Nhờ sự chăm sóc tận tâm của các sơ, bệnh nhân phong tại Quy Hòa được chữa trị về mặt y tế, hỗ trợ tinh thần, giúp họ vượt qua những nỗi đau và sự cô lập. Những hoạt động thiện nguyện này không chỉ mang lại giá trị vật chất mà còn mang lại giá trị tinh thần to lớn, giúp các bệnh nhân phong cảm thấy được yêu thương, chăm sóc và không còn cô đơn trong cuộc hành trình chống chọi bệnh tật.

Mỗi tuần một lần, các sơ tổ chức nấu ăn cho các bệnh nhân của Khoa Lão, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa. Những bữa ăn này không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn mang lại sự ấm áp, tình thương và sự động viên tinh thần cho các bệnh nhân. Bên cạnh đó, các sơ còn thực hiện chương trình cho vay không lãi suất đối với bệnh nhân phong và những người có hoàn cảnh khó khăn. Khoản vay 3 triệu đồng/hộ đã giúp nhiều gia đình có cơ hội khởi nghiệp, buôn bán nhỏ, chăn nuôi, từ đó cải thiện cuộc sống. Hiện nay, mô hình “Đoàn kết tương trợ giúp vốn sản xuất” do các nữ tu Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ thiết lập tại làng Quy Hòa vẫn đang được duy trì và phát triển, giúp các gia đình bệnh nhân phong và bà con giáo dân ở giáo xứ Quy Hòa đạt nhiều kết quả tích cực. Được biết, hiện có 15 nhóm đoàn kết tương trợ vốn thường xuyên sinh hoạt nền nếp hằng tháng, số tiền tương trợ giúp vốn lên đến 600 triệu đồng, tạo điều kiện cho 186 gia đình còn khó khăn về kinh tế ở khu vực 2, phường Ghềnh Ráng có thêm vốn làm ăn, buôn bán nhỏ và chăn nuôi.

Gia đình chị Hồ Thị Đăng Minh, một trong những hộ nhận hỗ trợ từ mô hình trợ giúp vốn sản xuất đã vượt qua mọi nghịch cảnh của cuộc sống. Trước đây, gia đình chị Minh sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn. Nhờ sự hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện và chương trình vay vốn ưu đãi, gia đình chị Minh đã đầu tư vào chăn nuôi. Bằng sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng, gia đình chị đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Hiện chị đã có một trang trại nho nhỏ, với số gà vịt đủ xuất chuồng và có một cái Tết đủ đầy.

Sơ Lucia Hoàng Thị Mỹ Dung, phụ trách Cộng đoàn Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ cho biết, hiện nay, các nữ tu Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã và đang tổ chức xe đưa đón hơn 100 học sinh là con em bệnh nhân và con dân làng Quy Hòa theo học các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ở nội thành Quy Nhơn với chi phí hằng năm hơn 200 triệu đồng. Hằng tuần, mỗi chiều chủ nhật các nữ tu Phaolo lại tổ chức phục vụ 200 suất cháo tình thương cho bệnh nhân tại Bệnh viện TP Quy Nhơn. Mỗi tháng, Cộng đoàn còn giúp gạo cho người tàn tật, đau yếu, neo đơn với số gạo trung bình 3 tạ/tháng. Vào các dịp lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán, các giáo xứ, các dòng tu cũng tổ chức nhiều đợt thăm, tặng quà cho người nghèo không phân biệt tôn giáo với số tiền hơn 2 tỷ đồng… “Có thể nói, cuộc sống của người dân làng phong hiện nay đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây. Họ đã tìm thấy niềm vui trong cuộc sống chứ không còn mặc cảm về số phận. Đặc biệt, dù là nơi ở của những bệnh nhân phong, nhưng Quy Hòa đang trở thành điểm đến du lịch của không ít du khách trong và ngoài nước”, sơ Dung cho biết.

Làng Quy Hòa, từ một trại phong cách biệt giờ đây đã trở thành ngôi làng ấm áp, tràn đầy hy vọng và tình yêu thương. Những đổi thay tích cực ở làng phong không chỉ thể hiện qua việc cải thiện điều kiện sống và y tế, mà còn qua sự phát triển về tinh thần, niềm tin của những con người nơi đây. Đây là nơi tình yêu thương và sự chia sẻ đã làm nên những điều kỳ diệu, biến những mảnh đời từng khổ đau trở nên tươi sáng và đầy hy vọng.

Theo Bài và ảnh: LƯƠNG TÙNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm