Trở lại Ba Đình (H.Nga Sơn, Thanh Hóa) lần này, tôi được ông Trịnh Văn Đắc (85 tuổi, sĩ quan quân đội về hưu) tận tình giới thiệu về vùng đất và con người nơi đây. Từ nhiều năm nay, ông Đắc đã dụng công thu thập tài liệu về cuộc khởi nghĩa Ba Đình cũng như lịch sử, văn hóa vùng đất này. Sau gần 140 năm, dấu tích của cứ địa gần như không còn gì, nhưng tinh thần bất khuất của cuộc khởi nghĩa vẫn được lưu giữ ở Ba Đình nhờ những người như ông Đắc.
Chọn Ba Đình làm căn cứ địa
Theo tài liệu lịch sử, tháng 11.1885, thực dân Pháp đưa quân đánh chiếm tỉnh Thanh Hóa. Thời điểm này, nhất là sau khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương (13.7.1885), phong trào kháng Pháp tại Thanh Hóa phát triển rất mạnh dưới sự lãnh đạo của các thân sĩ, quan lại thuộc phe chủ chiến. Cuối năm 1885, các thủ lĩnh khởi nghĩa ở Thanh Hóa gồm Trần Xuân Soạn, Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao… tụ họp tại chùa Trang Các (H.Hà Trung) bàn phương cách mở rộng địa bàn, xây dựng lực lượng chống Pháp.
Hầu hết các thủ lĩnh muốn lấy rừng núi làm căn cứ, mưu kế lâu dài. Riêng Trần Xuân Soạn cho rằng đồng bằng mới là vùng chiến lược vì là nơi đông người, nhiều của, có mạng lưới giao thông thuận lợi… Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng và củng cố cứ địa ở miền núi, các thủ lĩnh khởi nghĩa quyết định xây dựng một căn cứ tại vùng đồng bằng và khu vực Ba Đình, Nga Sơn (Thanh Hóa) đã được chọn.
Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt… nhận nhiệm vụ chỉ huy xây dựng căn cứ Ba Đình nhằm bảo vệ cửa ngõ miền Trung và làm bàn đạp đánh Pháp ở đồng bằng Thanh Hóa cũng như kết nối với phong trào khởi nghĩa ở miền Bắc. Trần Xuân Soạn, Hà Văn Mao xây dựng căn cứ Mã Cao (Yên Định, Thanh Hóa), thiết lập hệ thống căn cứ kháng Pháp từ vùng đồng bằng ven biển lên miền núi Thanh Hóa.
"Con nhím giữa vùng đồng chiêm trũng"
Ông Đắc cho biết căn cứ Ba Đình được xây dựng trên địa phận các làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê (H.Nga Sơn) đầu năm 1886. Đây là 3 ngôi làng nằm giữa vùng đồng chiêm trũng được hình thành ở khoảng giữa của lạch Càn và lạch Sung, biệt lập với các thôn làng khác, được bao bọc bởi những lũy tre như tường thành.
"Nghĩa quân đã dùng chính những lũy tre làm vòng ngoài cùng bảo vệ căn cứ. Bên trong đắp thành lũy, xây dựng 3 đồn Thượng, Trung, Hạ, kết nối với nhau bằng giao thông hào... Nghĩa quân còn xây dựng một số căn cứ phía ngoài như đồn Thanh Đán ở phía tây bắc, đồn Hang Giơi và Răng Cưa phía đông bắc, đồn núi Thúc ở phía bắc, đồn Xa Loan và Tố Hoàng ở phía đông, đồn Tri Cụ phía nam và trạm quan sát trên núi Nga Châu", ông Đắc kể.
Ông cho biết thêm, về danh nghĩa, Phạm Bành là lãnh đạo căn cứ Ba Đình, nhưng người chỉ huy xây thành, đắp lũy và trực tiếp điều quân tác chiến là Đinh Công Tráng. Nghĩa quân có khoảng 300 người, tuyển mộ ở vùng Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung. Cuối năm 1886, Đinh Công Tráng chỉ huy nghĩa quân phục kích tiêu diệt các toán lính Pháp tuần tiễu, chặn đánh các đoàn xe vận tải của địch, cắt đứt các tuyến giao thông quanh vùng căn cứ Ba Đình, tạo thế chia cắt sự liên thông hệ thống bình định và cai trị của Pháp giữa miền Bắc với miền Trung.
Trước tình hình trên, cuối năm 1886, Pháp huy động hơn 500 quân do 2 viên trung tá Metzinger và Dodds chỉ huy tấn công căn cứ Ba Đình. Đợt tấn công đầu tiên, quân Pháp bị bất ngờ trước sự kháng cự, chống trả mạnh mẽ của nghĩa quân. Tổn thất lực lượng và không có cách tiến quân chiếm các căn cứ, Pháp đành phải tạm lui binh. Cứ điểm Ba Đình được các sĩ quan Pháp ví như "con nhím giữa vùng đồng chiêm trũng", sẵn sàng xù lông gây thương tích cho binh lính Pháp.
Cuộc chiến không cân sức
Để hạ "con nhím Ba Đình", Pháp cử đại tá Brissaud từng tham gia chỉ huy công phá thành phố Puela ở Mexico sang VN phụ trách chiến dịch tấn công căn cứ Ba Đình. Ngày 6.1.1887, Brissaud cùng gần 2.500 quân chia làm 3 mũi, có sự yểm trợ của pháo binh đánh vào căn cứ. Tuy nhiên, nghĩa quân tiếp tục kiên cường chống trả, tiêu diệt nhiều binh lính Pháp.
Pháp sau đó tăng quân số lên 3.500 lính, cùng hỏa lực mạnh. Trong đợt tấn công thứ 5, ngày 20.1.1887, Brissaud cho công binh dùng vòi phun dầu đốt cháy lũy tre, điều đại bác bắn phá dồn dập để bộ binh tiến sát căn cứ. Trước thế giặc quá mạnh, đêm 20, rạng sáng 21.1.1887, Phạm Bành, Đinh Công Tráng cùng các chỉ huy khác rút lui lên căn cứ Mã Cao. Quân Pháp chiếm được Ba Đình, triệt hạ 3 làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê.
Sau đó, Pháp tiếp tục tấn công căn cứ Mã Cao. Ngày 2.2.1887, Brissaud cho bắn phá dữ dội và nhanh chóng chiếm được Mã Cao sau khi nghĩa quân rút lên vùng rừng núi Ngọc Lặc. Các thủ lĩnh Phạm Bành và Hà Văn Mao sau đó bị bắt rồi tuẫn tiết…, nghĩa quân dần tan rã.
Trong nỗ lực cuối cùng, Đinh Công Tráng cùng một nhóm nghĩa quân vào Nghệ An tiếp tục gây dựng lại phong trào kháng Pháp. Đến ngày 5.10.1887, trong trận đánh tại H.Đô Lương (Nghệ An), thủ lĩnh Đinh Công Tráng hy sinh, cuộc khởi nghĩa Ba Đình kết thúc.
Quảng trường Ba Đình
Ngày 20.7.1945, Chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm bác sĩ Trần Văn Lai làm Đốc lý Hà Nội. Sau khi nhậm chức, bác sĩ Trần Văn Lai quyết định đổi một loạt tên đường phố tại Hà Nội từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, lấy theo tên của các vị anh hùng Việt Nam. Trong đó, vườn hoa Pugininer trước Phủ Toàn quyền được đổi tên thành vườn hoa Ba Đình để kỷ niệm, tôn vinh tinh thần kháng Pháp của nghĩa quân Ba Đình. Sau đó, Cách mạng tháng Tám thắng lợi vẻ vang và ngày 2.9.1945, tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, vườn hoa Ba Đình được người dân gọi là Quảng trường Ba Đình cho đến ngày nay.
Địa chỉ đỏ
Năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tồn, tôn tạo di tích Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình tại xã Ba Đình. Dự án gồm đền thờ các thủ lĩnh và nghĩa quân, tả vu, hữu vu, phù điêu, nghi môn nội, cầu vào trung tâm khu căn cứ, cổng trụ, hào lũy (phỏng dựng một đoạn hào lũy phía trước khu căn cứ), sân, đường nội bộ… với tổng mức đầu tư 95,5 tỉ đồng. Đây sẽ là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Theo Ngọc Minh (TNO)