Đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người dân
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái cho biết: Hiện tuyến tỉnh có 6 bệnh viện, 2 chi cục, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Pháp y với 1.854 cán bộ, nhân viên y tế; tuyến huyện có 17 trung tâm y tế với 1.874 cán bộ, nhân viên; tuyến xã có 220 trạm y tế với 1.166 cán bộ, nhân viên. Ngoài ra, tỉnh có 3 bệnh viện tư nhân với tổng cộng 260 giường bệnh, nhân lực có 497 người, trong đó có 79 bác sĩ. Giai đoạn 2013-2022, số giường bệnh/vạn dân tăng từ 21 lên 27; số bác sĩ/vạn dân tăng từ 6,15 lên 8,4; tỷ lệ xã có bác sĩ làm việc tăng từ 65% lên 93%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 16,67% lên 93%.
Công tác y tế dự phòng được triển khai hiệu quả, các loại dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi. Công tác phòng-chống dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả cao. Tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt giảm rõ rệt. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 23,5% năm 2013 xuống còn 18% vào năm 2022... Năm 2022, căn cứ các quy định về tự chủ giai đoạn mới, UBND tỉnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho 27 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế, trong đó, 5 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 20 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và 2 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế tỉnh đang thiếu cán bộ chuyên khoa sâu và cán bộ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng. Tình trạng chuyển công tác, xin nghỉ việc hoặc thầy thuốc ở bệnh viện công bỏ việc để chuyển sang làm tại các bệnh viện tư xảy ra nhiều, gây khó khăn cho các cơ sở khám-chữa bệnh công lập. Việc thực hiện giao biên chế không phù hợp với kế hoạch tăng giường bệnh; biên chế được giao chưa đáp ứng nhu cầu số lượng người làm việc theo vị trí việc làm nhưng phải thực hiện lộ trình tinh giản biên chế của từng đơn vị đã ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Nhiều kiến nghị, đề xuất
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế kiến nghị HĐND tỉnh đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi một số điểm của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014. Cụ thể, việc tạm ứng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo báo cáo quyết toán quý trước là quá ít, không đủ để các cơ sở khám-chữa bệnh trang trải cho các hoạt động thường xuyên của đơn vị và thanh toán tiền thuốc, vật tư y tế đã mua của các đơn vị cung ứng. Đối với Chính phủ, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11-5-2009 về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản; xem xét lại chế độ tiền lương và phụ cấp cho nhân viên y tế (đặc biệt là bác sĩ) phù hợp với thời gian đào tạo; phụ cấp thâm niên cho cán bộ y tế; chế độ phụ cấp đặc thù đối với viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch…
Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế giao cơ quan chuyên môn về đấu thầu mua sắm tập trung vật tư, hóa chất, trang-thiết bị phòng-chống dịch, tránh tình trạng mỗi nơi mua một giá. Đồng thời, có chính sách phù hợp để các thầy thuốc chỉ tập trung vào chuyên môn, phục vụ người bệnh một cách tốt nhất. Các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị cho ngành Y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi và phát huy hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân... Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu ban hành cơ chế chính sách thu hút cán bộ y tế có trình độ cao đến công tác tại tỉnh và chính sách riêng đối với cán bộ y tế công tác tại tuyến xã.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Trong khi đó, bác sĩ Đoàn Mạnh Thắng-Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) đề nghị: Tỉnh cần có giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế, thực hiện chính sách tuyển dụng, ưu đãi, thu hút nhân lực y tế về công tác; quan tâm phát triển ngành Y tế bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh cần thành lập Trung tâm Cấp cứu 115 tại TP. Pleiku để đảm bảo sơ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân. Đối với vấn đề tự chủ, mục tiêu là nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống cho nhân lực ngành Y tế nhưng thực tế thời gian qua chưa đảm bảo tiêu chí này. Vì vậy, cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp để triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Liên quan đến đời sống của đội ngũ nhân viên y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phạm Bá Mỹ nêu ý kiến: Dịch Covid-19 khiến nguồn thu của Bệnh viện giảm sút, mất cân đối thu chi. Đây là nguyên nhân bất khả kháng nên đề nghị cấp có thẩm quyền cấp bù kinh phí thiếu hụt trong 3 năm (2019-2021). Công tác thanh toán bảo hiểm y tế chưa kịp thời cũng là nguyên nhân gây mất cân đối thu chi của Bệnh viện… Hiện nay, Bệnh viện chưa có giải pháp để nâng cao thu nhập cho nhân viên hợp đồng, mức lương hợp đồng thấp hơn mức lương tối thiểu nên khó giữ chân cán bộ, nhân viên y tế.
Vấn đề thiếu nhân lực, nhất là nhân lực y tế cơ sở cũng được nhiều đại biểu đề cập. Bác sĩ Phạm Chí Quang-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện đề nghị cấp có thẩm quyền sớm có kế hoạch tuyển dụng viên chức y tế để đảm bảo đủ số lượng người làm việc tại đơn vị; xem xét bố trí nhân viên y tế thôn bản tại thị trấn Phú Thiện vì đây là địa bàn đông dân cư nhưng chưa có nhân viên y tế thôn bản khiến việc quản lý, triển khai công tác chăm sóc sức khỏe người dân còn nhiều hạn chế.
Tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn”
Sau khi nghe đại diện các đơn vị y tế chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên ghi nhận sự nỗ lực và cống hiến của toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Y tế thời gian qua, đặc biệt trong công tác phòng-chống dịch Covid-19. Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Về chế độ phụ cấp của ngành Y tế, quá trình thực hiện có những quy định, hướng dẫn áp dụng chưa đầy đủ. Do đó, đề nghị Sở Y tế, Sở Tài chính và UBND tỉnh nghiên cứu thực hiện theo đúng quy định. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo trang-thiết bị, vật tư y tế, thuốc men để ngành Y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung nguồn nhân lực cho y tế tuyến xã vì đây là nơi khám-chữa bệnh ban đầu cho người dân.
Phó Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh, hiện còn nhiều vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Vì vậy, cần có cơ chế phù hợp, có hướng dẫn, quy định cụ thể để tránh xảy ra sai sót. Các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế và giữ chân cán bộ, nhân viên y tế khu vực công. Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định sự cần thiết phải xây dựng một đề án phát triển cụ thể của ngành Y tế, từ đó kiện toàn, củng cố và phát triển ngành trong giai đoạn mới. Việc xây dựng đề án cần lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết và trách nhiệm. Một số đơn vị y tế thiếu khuyết lãnh đạo phải được kiện toàn, bổ sung, không để kéo dài.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị các đơn vị y tế không chỉ thực hiện tốt công tác chuyên môn mà còn phải nâng cao thái độ phục vụ, y đức và trách nhiệm trong chăm sóc sức khỏe người dân. Phải đặt câu hỏi “Vì sao bác sĩ, nhân viên y tế khu vực công xin nghỉ việc?”. Cán bộ quản lý y tế cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức, người lao động để từ đó có giải pháp tháo gỡ hiệu quả vấn đề này. Ngoài ra, ngành Y tế cần đoàn kết, thống nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn.
Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, một số ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị của tỉnh trả lời. Những vấn đề khác, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp rà soát, tập trung giải quyết thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật và trả lời cụ thể. Các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổng hợp để phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, giải quyết, trả lời theo thẩm quyền.