Kinh tế

Nông nghiệp

"Đòn bẩy" để sản phẩm OCOP vươn xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 1 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều sản phẩm đặc trưng của các địa phương đã được nâng tầm cả về mẫu mã, chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Việc xây dựng nhãn hiệu sẽ là “đòn bẩy” để đưa sản phẩm OCOP vươn xa hơn nữa trên thị trường.
 


Tăng sức cạnh tranh

Trong xu thế của nền kinh tế thị trường hiện nay, việc bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh bền vững. Đây cũng là cơ sở pháp lý để xác định chủ sở hữu đối với nhãn hiệu, logo, thương hiệu mà doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang sản xuất kinh doanh trước sự cạnh tranh của các đối thủ khác; đồng thời, giúp người tiêu dùng phân biệt được chất lượng mặt hàng, dịch vụ. Hiểu rõ điều đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình.

Cà phê Xuân Dương là sản phẩm OCOP được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận và bảo hộ toàn phần cho logo thương hiệu. Ảnh: N.T


Ông Phạm Hữu Dương-chủ cơ sở sản xuất, chế biến cà phê sạch Xuân Dương (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah)-cho biết: Gia đình ông có 5 ha cà phê canh tác theo phương pháp hữu cơ kết hợp quy trình chế biến sâu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trước khi đưa đến người tiêu dùng. Qua thời gian đầu tư xây dựng, cà phê Xuân Dương đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông cũng được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục pháp lý để lập hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu “Xuân Dương” và cách ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch sản phẩm. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận và bảo hộ toàn phần cho logo thương hiệu cà phê “Xuân Dương”. Đây là điều kiện giúp sản phẩm cà phê Xuân Dương nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Tương tự, việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Phú Thiện-Gia Lai” cũng giúp sản phẩm OCOP gạo Phú Thiện gia tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Ngô Văn Hiếu-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Phú Thiện-cho biết: Việc đảm bảo về xuất xứ và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm gạo Phú Thiện là vấn đề cấp thiết. Trên cơ sở đó, địa phương hình thành những vùng chuyên canh lúa gạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản, chế biến để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, hình thành các kênh tiêu thụ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó, góp phần cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và đa dạng hóa mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường.

Tập trung xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm chủ lực

Gia Lai hiện có 42 sản phẩm được công nhận đạt 3-4 sao OCOP cấp tỉnh (8 sản phẩm đạt 4 sao, 34 sản phẩm đạt 3 sao). Để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP luôn được chính quyền địa phương và ngành chức năng đặc biệt chú trọng.

Xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận "Gạo Phú Thiện" đã góp phần cải thiện thu nhập cho người trồng lúa huyện Phú Thiện, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững. Ảnh: Ngọc Thu


Ông Nguyễn Nam Hải-Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ-cho hay: Sở đã chủ trì, phối hợp với các địa phương hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ cho 42 sản phẩm OCOP (11 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, 22 sản phẩm đã nộp đơn bảo hộ nhãn hiệu và 8 sản phẩm đang tiến hành làm các thủ tục đăng ký bảo hộ). Trong đó, một số sản phẩm đã và đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý như: gạo Phú Thiện, khoai lang Lệ Cần (huyện Đak Đoa), gạo Ba Chăm (huyện Mang Yang), cà phê Gia Lai, chanh dây Gia Lai…

Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, kiểu dáng công nghiệp, mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Đồng thời, Sở triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp để đưa những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, khẳng định thương hiệu trên thị trường như: chế tạo hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng; xây dựng vùng nguyên liệu lúa cạn đặc sản theo hướng hàng hóa tại Gia Lai; chuỗi cung ứng sản phẩm cà phê xuất khẩu của tỉnh...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực sự quan tâm, đầu tư cho việc đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, mã số, mã vạch, công bố tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm. Đồng thời, các cơ chế và quy định về hỗ trợ kinh phí cho xây dựng nhãn hiệu sản phẩm OCOP hiện vẫn còn thiếu.

“Để khắc phục hạn chế trên, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh tiến hành đăng ký bảo hộ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy theo đúng quy định trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Song song với đó, tập trung xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản địa phương thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các khâu để tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm trên thị trường, từ đó từng bước mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước”-Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ thông tin thêm.

NGỌC THU-TẤN THẮNG
 

Có thể bạn quan tâm