Điểm đến Gia Lai

Đồn điền chè Bàu Cạn: "Địa chỉ đỏ" của cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Một số nhà nghiên cứu cho rằng, khu vực đồn điền chè Bàu Cạn là địa điểm hoạt động của nhóm đảng viên cộng sản đầu tiên ở Gia Lai, gắn với các phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền những năm đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, ý kiến này rất cần được làm sáng tỏ để thấy được tầm vóc, ý nghĩa quan trọng của đồn điền chè Bàu Cạn trong tiến trình phát triển hơn 76 năm qua của Đảng bộ tỉnh.

Cái nôi cách mạng

Trong công trình nghiên cứu “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến năm 1975”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh-nhận định: Đồn điền chè Bàu Cạn là địa điểm có ý nghĩa rất đặc biệt, là nơi “những hạt giống cách mạng được gieo mầm”. Đây cũng là nơi khởi phát nhiều phong trào đấu tranh có tổ chức, có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai.

 Ủy ban nhân dân huyện Chư Prông tổ chức hội thảo khoa học về địa điểm hoạt động của nhóm đảng viên cộng sản đầu tiên ở Gia Lai tại đồn điền chè Bàu Cạn. Ảnh: Minh Châu
Ủy ban nhân dân huyện Chư Prông tổ chức hội thảo khoa học về địa điểm hoạt động của nhóm đảng viên cộng sản đầu tiên ở Gia Lai tại đồn điền chè Bàu Cạn. Ảnh: Minh Châu


Với ý nghĩa đó, UBND huyện Chư Prông đã tiến hành lập hồ sơ khoa học di tích “Địa điểm hoạt động của nhóm đảng viên cộng sản đầu tiên ở tỉnh Gia Lai” và tổ chức hội thảo để tham vấn ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học về địa điểm đặc biệt này. Theo hồ sơ di tích, từ cuối năm 1939 đầu 1940, một số đảng viên cộng sản bị địch truy nã ở các tỉnh, thành phố đồng bằng như Phan Thủy Tú, Trần Ren và Lâm Thị Nở đã lên đồn điền Bàu Cạn hoạt động dưới vỏ bọc là công nhân rồi tập hợp, hình thành nhóm đảng viên cộng sản đầu tiên ở Gia Lai. Sau khi được hình thành, nhóm đảng viên cộng sản đã vận động xây dựng các tổ chức để tập hợp, giác ngộ quần chúng. Để che mắt địch, nhóm đảng viên chủ trương thành lập “Hội cứu tế đỏ” (tháng 5-1940) với 7 hội viên là những thành phần cốt cán từ các phong trào gồm: Trần Ren (Hội trưởng), Phan Thủy Tú (Phó Hội trưởng), Lâm Thị Nở (Thủ quỹ) và các hội viên khác như: Nguyễn Đắc (Khoa), Nguyễn Bân, Phan Bình, Lâm Duy Phong. Dưới sự lãnh đạo của nhóm đảng viên cộng sản, phong trào đấu tranh của công nhân ở đồn điền Bàu Cạn có tổ chức, được tiến hành chặt chẽ, ngày càng tập hợp đông đảo quần chúng tham gia. Nhiều phong trào đấu tranh tiếp tục phát triển mạnh mẽ như lãnh đạo công nhân đấu tranh đòi tiền thưởng, chống hãm hiếp nữ công nhân, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Khởi đi từ đồn điền Bàu Cạn, nhiều phong trào đấu tranh đã lan rộng trong các tầng lớp nhân dân và mở rộng ra các đồn điền lân cận.

Các tổ chức “Công hội đỏ”, “Hội cứu tế đỏ” là nơi gieo mầm những hạt giống đầu tiên cho phong trào đấu tranh của công nhân trong đồn điền, trở thành “cái nôi” cách mạng của thị xã Pleiku. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng các tổ chức này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Gia Lai, là tiền đề để sau này tổ chức Đảng bắt rễ và phát triển, dẫn đến sự hình thành chi bộ Đảng đầu tiên vào ngày 1-10-1945, tiến tới thành lập Đảng bộ tỉnh lâm thời (còn gọi Đảng bộ Tây Sơn) ngày 10-12-1945.

Đồi chè ở xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông). Ảnh: Phan Nguyên
Đồi chè ở xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông). Ảnh: Phan Nguyên


Tạo sức hút cho di tích

Tại hội thảo về “Địa điểm hoạt động của nhóm đảng viên cộng sản đầu tiên ở Gia Lai”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cho rằng: Đến tận bây giờ, Gia Lai chưa có tổ chức nào được nhắc đến sớm hơn tổ chức “Công hội đỏ” được thành lập ở Bàu Cạn những năm 30 của thế kỷ trước. Đặc biệt, sự ra đời của nhóm đảng viên cộng sản đầu tiên tại đồn điền đã tạo những bước chuyển biến mới, đưa phong trào đấu tranh của Nhân dân từ lẻ tẻ tự phát đến chỗ có sự liên kết với nhau trong mức độ nhất định giữa đồn điền, thị xã và vùng ven, tạo đà và điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng có bước nhảy vọt sau đó. Bà Vân chia sẻ: “Đây là hồ sơ di tích khó làm nhất trong các di tích của tỉnh hiện nay bởi đa số các nhân chứng đã mất. Trước đây, tư liệu về đồn điền chủ yếu được khai thác qua lời kể của các lão thành cách mạng, công nhân đồn điền. Nhưng hiện nay, chúng ta có thêm nhiều nguồn tư liệu mới, đặc biệt là tư liệu do ông Nguyễn Quang Hiền dịch từ tiếng Pháp với nhiều thông tin mới, chân thực, tin cậy. Tuy vậy, dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng sẽ và nên làm cái gì đó cho Bàu Cạn để tri ân vùng đất và con người ở đây. Tên gọi di tích sẽ được điều chỉnh cho phù hợp và nếu được công nhận đây sẽ là điểm nhấn để khai thác những câu chuyện thu hút du khách, phát triển du lịch”.

Nhà điều hành khu chế biến trà được xây dựng từ thời Pháp. Ảnh: Nguyễn Quang Hiền
Nhà điều hành khu chế biến trà được xây dựng từ thời Pháp. Ảnh: Nguyễn Quang Hiền


Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cũng cho rằng: “Chúng ta lập hồ sơ di tích để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, thu hút mọi người đến tham quan, học tập. Tuy nhiên, cần tìm những yếu tố hấp dẫn, sưu tầm những câu chuyện bên lề để có thể khai thác du lịch hiệu quả, tránh để một di tích lịch sử cách mạng khô khan, không có sức hấp dẫn. Dó đó, việc đối chiếu tư liệu ở cả 2 phía sẽ bổ sung thêm nhiều thông tin thú vị cho di tích. Nhất là cần kết nối di tích với đồn điền chè để có sự xâu chuỗi, liên kết, xuyên suốt từ quá khứ đến nay, tạo ra câu chuyện đầy hấp dẫn như “Bàu Cạn, 100  năm…” chẳng hạn”.

Về phía địa phương, ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Prông-cho biết: Nếu được công nhận, đây sẽ là di tích cấp tỉnh đầu tiên của huyện. Cùng với lập hồ sơ di tích, UBND huyện cũng đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết khu dân cư và các công trình công cộng tại xã Bàu Cạn với nhiều hạng mục, trong đó có diện tích đất dành cho xây dựng bia di tích, nhà lưu niệm. “Huyện sẽ sớm xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, trong đó chú trọng kết nối di tích lịch sử này với các điểm du lịch như: Di tích quốc gia Chiến thắng Plei Me, Chiến thắng cứ điểm 771 làng Siêu (đang trong quá trình lập hồ sơ di tích) để hình thành một tour thăm chiến trường xưa. Trên tuyến du lịch này còn có các thắng cảnh thác Bàu Cạn, đồn điền chè, công trình thủy điện có từ thời Pháp; thôn Tây Hồ rực sắc hoa muồng vàng vào tháng 10 hàng năm… Các điểm đến này sẽ hình thành một tuyến du lịch với nhiều trải nghiệm. Các di tích, thắng cảnh của huyện cũng gần với TP. Pleiku, do đó sẽ thuận lợi để kết nối du lịch với các điểm trung tâm”-Bí thư Huyện ủy Chư Prông thông tin.

 

 MINH CHÂU 

Có thể bạn quan tâm