Xã hội

Đong đầy "hũ gạo tình thương"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với tinh thần tương thân tương ái, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các xã, thị trấn ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực hưởng ứng phong trào “Phụ nữ với hũ gạo tiết kiệm của Bác”, qua đó giúp nhiều gia đình vượt qua thời điểm khó khăn.

Cuộc sống của người dân xã Chư A Thai nhờ vào sản xuất nông nghiệp là chính. Người dân 4 làng Đồn chủ yếu làm lúa rẫy kéo dài đến 6 tháng. Trân quý từng hạt lúa làm ra nhưng không chỉ dừng lại ở phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm trong gia đình, hội viên phụ nữ nơi đây còn biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong làng. Mô hình “Hũ gạo tình thương” hình thành từ đó. Ban đầu, mỗi chị em góp 1 lon gạo, rồi tăng lên 2 kg gạo/vụ. Để mô hình tạo được sức lan tỏa rộng rãi, thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia cũng như giúp đỡ được nhiều hội viên nghèo hơn, năm 2018, mô hình “Kho thóc tình thương” của phụ nữ xã Chư A Thai đã ra đời.

 Các chi hội chở lúa đến ủng hộ “Kho thóc tình thương” của Hội LHPN xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi
Các chi hội chở lúa đến ủng hộ “Kho thóc tình thương” của Hội LHPN xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi


Từ nguồn kinh phí của Hội và sự đóng góp của các Mạnh Thường Quân, kho thóc được dựng lên tại làng Pông. Chi hội Phụ nữ làng chịu trách nhiệm trông coi kho thóc. Mỗi năm, định kỳ 2 lần sau khi thu hoạch, các chi hội trong xã chở lúa đến góp vào kho. Sau khoảng 2 tháng, kho thóc được mở để phát cho chị em hội viên gặp khó khăn. Danh sách các chị được nhận do Chi hội bình xét, có sự luân phiên qua các năm để hỗ trợ đúng đối tượng, đảm bảo tính công bằng. Chị Đinh Thị Rét-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Pông-chia sẻ: “Mô hình “Kho thóc tình thương” phần nào giúp chị em tạm thời ổn định cuộc sống trong giai đoạn giáp hạt. Những năm trước, tôi cũng thường góp 2 kg gạo. Năm nay, tôi góp 5 kg với mong muốn mọi người không bị thiếu đói”.

Bà Bùi Thị Vân-Chủ tịch Hội LHPN xã Chư A Thai-cho biết: Năm 2021, kho thóc quyên góp được 1,3 tấn. Theo dự kiến, khoảng tháng 2-2022, kho thóc sẽ mở cửa, chở lúa đến nhà máy xay xát, sau đó phát gạo cho chị em phụ nữ nghèo. Bình quân mỗi chị sẽ nhận được 10 kg gạo. Tuy chưa nhiều nhưng là tấm lòng của chị em dành cho những hoàn cảnh khó khăn.

Tương tự, thực hiện cuộc vận động “2 chi hội người Kinh giúp 1 chi hội đồng bào dân tộc thiểu số”, năm 2021, mô hình “Hũ gạo tình thương” của Hội LHPN xã Ayun Hạ đã giúp nhiều hội viên vượt qua khó khăn. Đối tượng mô hình hướng đến là chị em đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn đột xuất, bệnh tật. Theo đó, lúa gạo được quyên góp 2 lần/năm, ai có lúa góp lúa, ai có gạo góp gạo, mọi người cũng có thể ủng hộ thêm kinh phí để mua lương thực. Khi dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn xã, “Hũ gạo tình thương” được huy động thường xuyên để giúp đỡ nhiều chị em bị cách ly tại nhà. Bình quân mỗi hộ nhận được khoảng 20 kg gạo, những trường hợp đặc biệt khó khăn có thể nhận 30-50 kg gạo.

Chị Ksor H'Yến (làng Ring Đáp) không may bị nhiễm Covid-19 khi đang mang thai. Sau khi điều trị khỏi bệnh trở về, chị phải thực hiện cách ly y tế tại nhà. Nắm được thông tin, Hội LHPN xã đã quyên góp, hỗ trợ 50 kg gạo để gia đình yên tâm cách ly. Chị H'Yến bộc bạch: “Nhờ mô hình “Hũ gạo tình thương” mà tôi được nhận gạo hỗ trợ khi chưa thu hoạch”.

Chia sẻ về cách thức triển khai phong trào “Phụ nữ Phú Thiện với hũ gạo tình thương của Bác”, bà Võ Hoàng Lan-Chủ tịch Hội LHPN huyện-thông tin: Những hũ gạo nhỏ nhưng là cả tấm lòng, là sự chắt chiu tình yêu thương, nghĩa láng giềng, sự đồng lòng sẻ chia của chị em phụ nữ. Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời giúp chị em vượt qua khó khăn khi giáp hạt, hạn chế nạn tín dụng “đen” trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện còn hướng dẫn các chi hội lồng ghép chia sẻ với chị em cách thức tiết kiệm trong chi tiêu, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

 VŨ CHI
 

Có thể bạn quan tâm