(GLO)- “5 năm trở lại đây, đời sống hội viên cựu chiến binh được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hội viên nghèo chỉ còn 1,5% và tỷ lệ hộ khá, giàu đạt 44,3%. Đặc biệt, có khoảng 300/837 hội viên có mức thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng/năm, một số cơ sở Hội không còn hội viên nghèo”- ông Chu Xuân Toàn-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Pưh khẳng định.
Những con số trên đã phần nào chứng minh hiệu quả mà phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” mang lại. Đặc biệt, phong trào này đã lan tỏa đến 10/10 cơ sở Hội ở huyện Chư Pưh và ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả do cựu chiến binh làm chủ. Có thể kể ra đây các mô hình như: mô hình trồng tiêu bằng trụ sống với diện tích 4 ha của cựu chiến binh Phạm Văn Bồn (thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang) thu nhập trên 800 triệu đồng/năm; mô hình trồng hồ tiêu và kinh doanh phân bón, thu mua nông sản của cựu chiến binh Phạm Thanh Tuyến (thôn Tao Klăh, xã Ia Rong) hàng năm thu lợi nhuận trên 600 triệu đồng; mô hình trồng nấm của cựu chiến binh Bùi Thế Hiển (thôn Tao Klăh, xã Ia Rong).
Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu. Ảnh: Đức Thụy |
Theo ông Bùi Thế Hiển, mỗi năm gia đình ông thu trên 200 triệu đồng từ việc trồng nấm. Tuy nhiên, trồng nấm lại không phải là hướng đi ban đầu của cựu chiến binh này. Ông chia sẻ: 20 năm trước, gia đình ông gom góp hết số tiền dành dụm để mua 1 ha đất sản xuất và bắt tay vào trồng các loại cây ngắn ngày như: bắp, đậu, rau màu… Trong khoảng thời gian này, gia đình ông mạnh dạn đầu tư trồng hơn 1.000 trụ tiêu. “Nếu thuận lợi thì chưa đầy 3 năm sau, hơn 1.000 trụ tiêu sẽ cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng, nhưng bất ngờ cây tiêu bị bệnh vàng lá và chết hàng loạt. Cuộc sống ban đầu tưởng sẽ khấm khá bỗng chốc trở nên tiêu tan”-ông Hiển cho hay. Không chấp nhận buông xuôi, ông nhanh chóng bắt tay vào khắc phục khó khăn và tiếp tục tìm hướng đi mới cho kinh tế gia đình. Thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông đã quyết định chuyển hướng sang trồng các loại nấm: nấm sò, nấm mèo, linh chi… Thời gian đầu, nguồn nấm chỉ cung cấp cho các chợ trên địa bàn huyện nhưng lâu dần, ngay cả các vùng lân cận cũng tìm đến để thu mua. Thấy rõ hiệu quả từ mô hình trồng nấm mang lại, gia đình ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích thành trang trại trồng nấm có quy mô.
Nhằm giúp các hội viên vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi, các cấp Hội Cựu chiến binh ở huyện Chư Pưh đã làm tốt vai trò cầu nối, tạo điều kiện cho hội viên được vay vốn đầu tư sản xuất. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Pưh Chu Xuân Toàn, cho biết: Hàng năm, Hội đã chỉ đạo các cấp Hội duy trì việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên để chủ động lập các dự án vay vốn theo hướng đầu tư thực hiện các chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, Hội còn vận động cán bộ, hội viên đóng góp quỹ nội bộ. Đến nay, 70/73 chi hội đã có quỹ với tổng số tiền là 1,175 tỷ đồng và các cơ sở Hội, chi hội đã giải quyết cho 117 hội viên vay không lãi hoặc lãi suất thấp để đầu tư phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Ông Nguyễn Đình Thắng-Chi hội trưởng Cựu chiến binh làng Kúai (xã Ia Blứ), cho hay: “Chi hội đã vận động hội viên tranh thủ các nguồn vốn vay để hướng vào phát triển kinh tế hộ gia đình, chủ yếu làm kinh tế vườn, trồng các cây công nghiệp: cà phê, hồ tiêu theo phương châm từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn. Các hội viên sau khi được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích. Nhờ đó, đến nay chi hội không còn hội viên nghèo”.
Ngoài nguồn quỹ nội bộ và các nguồn vốn huy động, các cơ sở Hội còn vận động cán bộ, hội viên có điều kiện kinh tế giúp đỡ về giống, vốn cho những gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống với số tiền 1,9 tỷ đồng và 3.200 cây giống các loại. Nhận xét về phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của huyện Chư Pưh, ông Vũ Ngọc Luyện-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, cho rằng: Cựu chiến binh trên địa bàn huyện Chư Pưh đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hơn nữa, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, cựu chiến binh huyện Chư Pưh còn thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau về kinh nghiệm, giống, vốn, tạo điều kiện để giảm tỷ lệ hội viên nghèo hàng năm.
Anh Huy