Kinh tế

Đồng hành cùng nhà nông vào năm mới!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa là đưa tỷ lệ nông nghiệp giảm dần trong tỷ trọng của nền kinh tế. Nhưng hiện nay, vấn đề nông nghiệp vẫn là khâu then chốt trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững ở chặng đường dài phía trước. Và như vậy, nông dân, nông nghiệp, nông thôn (tam nông) vẫn là khu vực còn nhiều nhạy cảm.
Kinh tế nông thôn bước vào thập niên công nghiệp
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Và như vậy, thập niên mới đang đến gần không còn bao xa nữa nhưng nông dân đang chiếm 70% lực lượng lao động toàn xã hội.
Riêng Gia Lai trên 1,2 triệu dân với khoảng 60 vạn người trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động; trên 2 vạn người được giải quyết việc làm thông qua việc thực hiện các dự án, chương trình quốc gia. Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 30% so với tổng số lao động.
Vườn dưa leo và cải nhà anh Nguyễn Dũng- xã Trà Đa chiều ngày 30 Tết. Ảnh: L.V.N
Như vậy đã cho thấy nội lực sức lao động nông thôn tỉnh ta khá dồi dào. Song, kinh tế nông thôn căn bản vẫn còn dựa trên lao động phổ thông dẫn đến năng suất lao động chưa cao và tỷ lệ chất “xám” trong đơn vị sản phẩm chiếm chưa đến 30%.
Trong nông nghiệp, cây trồng có chuyển dịch đúng hướng, nhưng tỷ trọng vẫn còn cao trong cơ cấu GDP (tỷ trọng nông- lâm- ngư nghiệp chiếm 41,17%). Trong lĩnh vực chăn nuôi và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp phát triển chậm chưa đến 8% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.
Nhưng nhìn chung, vài năm trở lại đây nhờ có hỗ trợ của nhà nước nên có sự tác động mạnh mẽ trong công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn cũng như tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, phổ cập sử dụng rộng rãi các giống mới, giống lai, giống nguyên chủng; gắn công nghệ sau thu hoạch với chế biến, tiêu thụ; công tác phòng chống dịch bệnh được chú trọng, nhiều mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả.
Từ đó, góp phần tích cực nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm của tỉnh so với sản phẩm liên doanh trong nước và khu vực như: sản xuất cà phê sạch; thu hoạch hồ tiêu đúng tiêu chuẩn; xây dựng được thương hiệu hồ tiêu; xuất khẩu cao su cốm, gỗ tinh chế… Do đó ít nhiều tạo công việc làm ổn định cho số lao động nông thôn và góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh; phần nào đã tạo được sự bền vững cho sản phẩm hàng hoá theo khu vực và vùng chuyên canh.
Và kỳ vọng ở sức bậc nội lực
Đầu tư vào công nghiệp nông thôn luôn luôn đi kèm với một kế hoạch đồng bộ là quy hoạch vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hoá và chiến lược tiêu thụ sản phẩm ổn định như mong ước của người nông dân. Vì vậy, công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn không phải là mục đích sau cùng mà chỉ là phương tiện hoặc phương cách sản xuất ra một sản phẩm. Từ cách nhìn này, chúng ta có những đầu tư đáng kể cho nông nghiệp, nông thôn, cho giống, cho công tác thuỷ lợi, cho công nghệ sau thu hoạch (bao gồm bảo quản và chế biến) để nông sản ổn định và ngày càng có giá, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Và cuối cùng, vấn đề làm sao đẩy mạnh được tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp với giá cả hợp lý là vấn đề mong đợi đối với nhà nông.
Trong năm 2010, nước ta nói chung và Gia Lai nói riêng tình hình phát triển kinh tế nông thôn tuy còn gặp những khó khăn nhất định như giá xăng dầu, phân bón, điện, thuê nhân công ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, tưới tiêu. Hơn nữa, hạn hán sớm ở một số vùng, lượng mưa ít xảy ra trên diện rộng đã tác động không nhỏ đến quá trình sản xuất, thu hoạch mùa màng nhưng được bù lại năm nay giá cả một số mặt hàng nông sản tăng cũng đỡ phần nào thu nhập của người dân… Song, đó chỉ là vấn đề trước mắt, còn vấn đề lâu dài trong một nền nông nghiệp tiên tiến thì chiến lược làm tăng hiệu năng của lao động nông thôn vẫn rất quan trọng.
Chúng ta hướng đến việc sử dụng lao động thặng dư trong nông thôn nhưng phải làm sao tạo cho được sức mua ngày càng mạnh mang ý nghĩa sản xuất công nghiệp hàng hoá mà điều mong đợi trước mắt đối với nông dân, nông thôn đó là sản phẩm nông nghiệp luôn có sự bền vững trong nền kinh tế và nhà nước cũng quan tâm đầu tư lớn cho khu vực này. Bởi nông dân chỉ mong ước sản phẩm mình làm ra cung cấp cho xã hội dồi dào nhưng bù lại không còn sự lo lắng bấp bênh với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khi được tiếng là đã vào ngôi nhà WTO.
Lê Văn Nhung


Có thể bạn quan tâm