Bóng đá Đông Nam Á từng có đại diện lọt vào vòng chung kết (VCK) một kỳ World Cup. Tại World Cup 1938, Indonesia khi đó với tên gọi Đông Ấn thuộc Hà Lan (Dutch East Indies) lọt vào vòng 16 đội. Tuy nhiên, càng về sau này, việc vượt qua vòng loại World Cup càng khó đối với các đội bóng khu vực này. Trong lịch sử, chưa lần nào Đông Nam Á có nhiều hơn 1 đại diện lọt vào vòng loại thứ 3 ở một kỳ vòng loại World Cup. Đội tuyển Thái Lan lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2018, và sau đó là đội tuyển VN tại vòng loại World Cup 2022.
Cầu thủ nhập tịch Indonesia Ragnar Oratmangoen (trái) chơi nổi bật ở trận giao hữu gặp Tanzania. Ảnh: PSSI |
Ở World Cup 2026, do số đội tham dự VCK tăng lên (từ 32 lên 48 đội), số suất dành cho châu Á được tăng lên (từ 4 suất rưỡi lên 8 suất rưỡi), nên số đội Đông Nam Á có cơ hội lọt vào vòng loại thứ 3 cũng tăng lên. Cho đến lúc này, có 3 đội Đông Nam Á sở hữu cơ hội rất lớn để vào vòng loại thứ 3. Đội có cơ hội lớn nhất là Indonesia, hiện có 7 điểm, đứng nhì bảng F. Họ chỉ cần thắng 1 trận nữa, dễ nhất là thắng đội cuối bảng Philippines trên sân nhà ngày 11.6 là chắc chắn đi tiếp.
HLV Shin Tae-young dẫn dắt thành công bóng đá Indonesia. |
Tiếp theo là Malaysia, đang đứng thứ 3 bảng D với 6 điểm, kém 2 đội dẫn đầu Kyrgyzstan và Oman 3 điểm. Tuy nhiên, Malaysia còn trận đối đầu với Kyrgyzstan ngày 6.6, sau đó gặp đội cuối bảng Đài Loan ngày 11.6. Toàn thắng cả hai trận này, Malaysia sẽ đi tiếp (cả Kyrgyzstan lẫn Đài Loan không đội nào quá mạnh so với Malaysia).
Đội còn lại là Thái Lan, đang đứng thứ 3 bảng C, với 4 điểm, kém đội nhì bảng Trung Quốc 3 điểm. Tuy nhiên, Thái Lan còn trận đối đầu trực tiếp với Trung Quốc ngày 6.6. Chỉ cần Thái Lan thắng Trung Quốc, sau đó thắng tiếp Singapore (ngày 11.6), họ sẽ vượt lên trên Trung Quốc, giành vé vào vòng loại thứ 3.
Trong trường hợp Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á, đấy sẽ là lịch sử của bóng đá Đông Nam Á. Thậm chí, ngay cả khi chỉ có 2 trong số 3 đội vừa nêu giành quyền đi tiếp, lịch sử vẫn gọi tên Đông Nam Á.