Đúng như lời nhà báo Phan Tùng Sơn nhận xét: 'Trần Thế Tuyển viết về chiến tranh cách mạng như nhà nông kéo cày trả nợ', dọc ngang hai tập sách mới ra mắt của ông - Dòng sông cuộn chảy và Gió thổi miền ký ức - là những mối nợ ân tình như vậy.
Ảnh: M.THỤY |
Hầu hết sự nghiệp văn chương của tác giả Trần Thế Tuyển đều dành cho đề tài người lính, nhưng ông không để lặp lại mình bao giờ.
Nếu phải nhận xét một phong cách nhất định trong thơ văn Trần Thế Tuyển thì đó hẳn là cách ông tìm ra hạnh phúc ở khoảnh khắc xót xa, mất mát nhất và ngược lại, thấy đau khổ cùng tận xen lẫn giây phút sum họp.
Những truyện ngắn Cha con người lính, Thầy Long của tôi, Kỷ niệm về anh ấy, Người về từ phía bên kia... trong tập Dòng sông cuộn chảy đều hướng theo cái nhìn trên.
Bản thân đã trải qua nhiều cuộc chiến, hiểu được sự bấp bênh mong manh giữa hòa bình và chiến tranh, giữa hi sinh và trở về, văn chương Trần Thế Tuyển thể hiện sự bất an luôn hằn sâu trong người lính.
Ông viết về đứa trẻ mồ côi vì bom đạn chiến tranh nhận một người lính làm cha nuôi rồi mất đi người cha thứ hai vào thời khắc cuối cùng của cuộc chiến. Tác giả lại nâng đứa bé dậy bằng hình ảnh một đất nước hòa bình mà nó chưa từng thấy.
Đó là cách văn chương hiện thực của Trần Thế Tuyển len lỏi vào người đọc, bi thương nhưng vẫn ngập tràn hi vọng. Điều này được ông tiếp nối trong trường ca Gió thổi miền ký ức về người lính già tên Thạch về lại chiến trường xưa và cảm nhận cuộc chiến như mới vừa dứt hôm qua.
Không sáo mòn và gần như vắng bóng tính chất tuyên truyền, cả hai tập sách là tiếng nói tự sự của chính ông với những đồng đội đã khuất như dòng sông nặng nợ chảy mãi không thôi.
Theo MAI THỤY (TTO)