Du lịch

Dòng thác đẹp nơi địa đầu Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuyến đi cuối hạ vừa qua thật thú vị khi tôi được tiếp cận với danh thắng Bản Giốc-một trong những thác đẹp nhất Đông Nam Á nhưng lại là dòng thác duy nhất có đường biên giới nằm trên trung tuyến chia đôi hai quốc gia (Việt Nam-Trung Quốc) về phía cực Bắc, thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng  (Việt Nam) và bên kia là thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân của Khu tự trị dân tộc Choang-Quảng Tây (Trung Quốc).

 Thác Bản Giốc. Ảnh: Thanh Phong
Thác Bản Giốc. Ảnh: Thanh Phong

Theo người dân nơi đây thì mùa này dòng sông Quây Sơn-phát nguyên từ Trung Quốc, bắt đầu có nước về nhiều nên những dòng thác sôi động hẳn lên, khoe vẻ đẹp kiều diễm của mình như những nàng tiên mặc áo trắng xóa, vẫy vùng giữa một thiên nhiên kỳ thú. Chúng ta có thể hình dung khái quát, khi dòng Quây Sơn chảy vào đất Việt tại bản Pò Peo, xã Ngọc Khê rồi băng qua cánh đồng Đạm Thủy, từ đây do cấu tạo địa chất, lòng sông chia ra nhiều nhánh rồi trụt xuống với nhiều tầng bậc tạo nên những dòng thác ngoạn mục. Những người đi phượt đã từng mạo hiểm leo qua 3 tầng bậc của thác Bản Giốc và họ đã thực sự chiêm ngưỡng được vẻ đẹp kỳ vĩ của từng ngọn thác, không như chúng tôi chỉ dừng lại dưới chân thác ngắm nhìn dung nhan “tòa thiên nhiên” ấy từ xa một cách tổng thể. Người ta chia thác Bản Giốc làm 2 phần: Thác chính, nằm chệch về phía Bắc khá rộng (khoảng 100 mét) và thác phụ nằm về phía Nam, cao hơn với nhiều dòng chảy, trải rộng hơn 100 mét. Nét đẹp đặc trưng của thác Bản Giốc mà không một thác nào có được, đó là sự kiều diễm và thân thiện, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên; đặc biệt là vào những ngày mùa lúa ươm vàng trên cánh đồng cạnh dòng thác hay mùa bắp xanh bên trên thác tạo nên bức tranh với nhiều gam màu óng ả, thanh bình. Nó không quá hùng vĩ, khổng lồ như thác Niagara nằm ở biên giới Mỹ và Canada hay với cảnh tượng phi thường của thác Victoria của Zimbabwe hoặc cao ngất ngưởng như thác Angel ở Venezuela…

Có một điều khiến tôi phân vân là thắng cảnh này được phân chia địa giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc như thế nào? Theo tài liệu chính thức thì việc phân định ranh giới tại vùng thác Bản Giốc thuộc tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc), hai bên đã dựa vào Công ước Pháp-Thanh năm 1887 và 1895 và Hiệp định đường biên giới năm 1999. Theo đó, đường biên giới khu vực này chạy theo trung tuyến dòng chảy sông Quây Sơn lên thác và tới mốc 53 phía trên. Có nghĩa là đường biên giới chạy qua chính giữa ngay mặt thác chính, chia đôi dòng thác tự nhiên này thuộc quyền của 2 quốc gia khác nhau. Riêng phần thác phụ phía Nam hoàn toàn thuộc về lãnh thổ nước ta. Hai bên chỉ tranh chấp phần trên đỉnh thác, nơi có hai dòng chảy ôm lấy cồn Pò Don, do Công ước Pháp-Thanh năm 1887 và 1895 không mô tả cụ thể. Sau nhiều lần đàm phán, năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất được việc phân định ranh giới tại khu vực này thuộc lãnh thổ Việt Nam là nửa thác chính, toàn bộ thác phụ và 1/4 cồn Po Don.

Hiện nay, giữa hai nước đã phân định rạch ròi đường biên giới tại khu vực thác Bản Giốc và tiếp tục hợp tác khai thác tiềm năng du lịch thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ nơi đây. Ngành Du lịch nước ta và tỉnh Cao Bằng đã và đang xây dựng nhiều công trình như chùa chiền, nhà nghỉ-khách sạn và tôn tạo cơ sở hạ tầng nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với tour du lịch hấp dẫn này.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm