Ngoài ra còn có Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt cùng đại diện Bộ Ngoại giao Brunei, Campuchia và Indonesia.
Sau khi các cuộc tham vấn kết thúc, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Thái Lan Bolbongse Vangphaen cho biết: “ASEAN sẽ cần phải đưa ra quan điểm thống nhất về những diễn biến tại Myanmar trong năm tới, bất kể cuộc bầu cử tại Myanmar có diễn ra hay không. Tôi nghĩ rằng các quốc gia thành viên ASEAN nhận thức được rằng đây là việc phải làm, dù có bầu cử hay không. Chúng tôi hiện vẫn đang chờ phía Myanmar làm rõ thêm các chi tiết về cuộc bầu cử trong năm tới".
Cũng theo ông Bolbongse, Thái Lan mong muốn thúc đẩy sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong giải quyết vấn đề Myanmar, đồng thời cam kết ủng hộ vai trò của Malaysia cũng như các quốc gia ASEAN khác trong nỗ lực này.
Trước đó, trong cuộc tham vấn không chính thức giữa Myanmar và 5 quốc gia láng giềng của nước này vào hôm 19/12 tại Bangkok, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Than Swe đã cập nhật diễn biến tình hình ở nước này cũng như chủ trương của Chính quyền Quân sự trong thúc đẩy lộ trình hướng tới hòa bình, hòa giải dân tộc ở Myanmar, nhất là việc tổ chức Tổng tuyển cử trong năm 2025.
Ông Than Swe cho biết nước này đã tiến hành cuộc tổng điều tra dân số và ban hành hướng dẫn đăng ký thành lập chính đảng tham gia tranh cử, đồng thời hoan nghênh các nước cử quan sát viên tới giám sát cuộc Tổng tuyển cử sắp tới.
Myanmar rơi vào vòng xoáy bất ổn kinh tế, chính trị kể từ đầu năm 2021. Năm 2023, nước Chủ tịch ASEAN Indonesia cùng các nước thành viên nỗ lực kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar thực hiện đầy đủ 5 điểm (5PC).
Đồng thuận 5PC (bao gồm: chấm dứt hành vi bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên, một đặc phái viên ASEAN sẽ tạo điều kiện cho đối thoại, chấp nhận viện trợ và chuyến thăm Myanmar của phái viên này) hiện vẫn là tiến trình ngoại giao chính thức duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar.