Theo đó, xét đề nghị của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về việc xin phép ký và gửi các hồ sơ quốc gia "Mo Mường" và "Nghệ thuật Chèo" để trình, xét ghi danh vào các Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng ý đệ trình UNESCO xem xét, đưa Di sản văn hóa phi vật thể "Mo Mường" (Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội và Đắk Lắk) vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Chèo" (Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội và Hải Phòng) vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phó Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký các Hồ sơ theo quy định.
Thầy Mo thực hành nghi lễ mát nhà của người Mường. Ảnh: QUANG VINH/BÁO NHÂN DÂN |
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch làm các thủ tục cần thiết để gửi các Hồ sơ di sản tới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định của Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 và pháp luật về di sản văn hóa.
Mo Mường là loại hình tín ngưỡng dân gian được tạo nên bởi ba thành tố chính: Môi trường diễn xướng, lời Mo và nghệ nhân Mo. Mo gắn liền với vòng đời của con người, từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, ông Mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Tuổi trưởng thành, khi đau yếu, Mo làm vía giải hạn, trừ tà ma. Giá trị đầu tiên nổi bật là tính sử thi gắn liền những nội dung liên quan lịch sử dân tộc và nhân loại, từ chuyện đẻ đất, đẻ nước, đẻ người, lúc còn ăn lông ở lỗ đến khi tìm ra lửa, tơ tằm, lúa gạo, làm nhà, có gia đình, biết chế tạo công cụ đồng làm nồi xanh, xây cung điện… Bên cạnh đó là giá trị về tâm linh, phong tục. Mo Mường còn dạy con người về giá trị của lao động sáng tạo và hàm chứa nhiều giá trị khác về tư tưởng triết học, nghệ thuật biểu diễn, ngôn ngữ thể hiện…
Ra đời từ thế kỉ 10, Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo và giữ vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt. Mặc dù Ninh Bình được mệnh danh là đất tổ của nghệ thuật Chèo nhưng làng Khuốc thuộc xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình mới là nơi có phong trào biểu diễn Chèo truyền thống mạnh nhất và hiện còn lưu giữ được nhiều làn điệu Chèo độc đáo. Làng Khuốc là một trong bảy vùng Chèo nổi tiếng đất Bắc từ thế kỉ 19. Ngày xưa, Chèo thường được biểu diễn ở các sân đình, sân chùa, sân nhà các gia đình quyền quý. Sân khấu Chèo thường chỉ là một chiếc chiếu trải giữa sân, đằng sau treo chiếc màn nhỏ. Diễn viên biểu diễn trên chiếu, nhạc công ngồi hai bên mép chiếu, còn khán giả có thể đứng xem ở cả ba phía: trước và hai bên sân khấu.
Khác với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc với sự kết hợp của các yếu tố hát, múa, nhạc, kịch vô cùng độc đáo. Hát Chèo là lối hát sân khấu, có thể đơn ca, song ca hoặc đồng ca. Giai điệu của các làn điệu hát chèo rất phù hợp với giọng tự nhiên và ngôn ngữ của người Việt. Một vở Chèo có thời lượng khoảng 2 tiếng đồng hồ. Khi diễn Chèo đòi hỏi diễn viên phải thể hiện đủ các kỹ năng hát, múa, diễn trên nền nhạc do các nhạc công hòa tấu bằng nhiều nhạc cụ như trống, mõ, sáo, nhị, tam thập lục… tạo hiệu ứng lan tỏa của lời hát.
Trước sự phát triển của xã hội hiện đại, Mo Mường và Nghệ thuật Chèo đang đứng trước những nguy cơ mai một. Vì vậy, việc đề trình ghi danh vào các Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO sẽ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị của 2 di sản này.