Xã hội

Đốt pháo nổ trong dịp Tết: Người nhập viện, kẻ bị phạt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặc dù chính quyền các địa phương và ngành chức năng ở Gia Lai đã tích cực tuyên truyền về tác hại của việc đốt pháo cũng như đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ, nhưng tình trạng đốt pháo dịp Tết vẫn xảy ra.
Thượng tá Lưu Đình Cảnh-Phó Trưởng Công an TP. Pleiku-cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn các vi phạm liên quan đến pháo nổ. Theo đó, đơn vị phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh và xe loa lưu động 260 lượt; tổ chức vận động tập trung thông qua các buổi họp dân được 40 buổi với hơn 5.700 lượt người tham dự; in phát hơn 21.000 tờ rơi tuyên truyền đến các hộ dân.
Đồng thời, Công an TP. Pleiku cũng tổ chức ký cam kết không sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ trái phép đến 166 tổ dân phố, thôn, làng, cơ quan, đơn vị, trường học với gần 10.000 gia đình và 10.700 cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Riêng trong đêm Giao thừa, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an TP. Pleiku đã được chia thành nhiều tổ công tác phối hợp với Công an các xã, phường triển khai tuần tra nhằm phát hiện, kịp xử lý những trường hợp đốt pháo trái phép.
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn xuất hiện tình trạng đốt pháo, đặc biệt là pháo hoa nổ. Công an TP. Pleiku đã lập hồ sơ xử lý 13 trường hợp đốt pháo trái phép. Đơn cử, khoảng 21 giờ 40 phút ngày 30 Tết Tân Sửu, Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) đã bắt quả tang cháu N.T.G.P. (SN 2006, trú tại phường Phù Đổng) có hành vi đốt pháo hoa nổ. Cháu P. giải thích: “Cháu biết đốt pháo là sai nhưng vì muốn đốt cho vui. Cháu hứa sẽ không dám tái phạm”.
Tại địa bàn huyện Phú Thiện, dù cả hệ thống chính trị đang tập trung phòng-chống dịch Covid-19, nhưng vẫn có một số người đốt pháo trái phép. Trong đêm Giao thừa, Công an huyện đã phát hiện, xử lý 7 trường hợp đốt pháo trái phép tại thị trấn Phú Thiện và các xã: Ia Peng, Chư A Thai, Chrôh Pơnan, Ia Ake, Ia Piar.
Công an TP. Pleiku thu giữ 180 kg pháo nổ dịp giáp Tết Nguyên đán 2021. Ảnh: Lê Gia
Công an TP. Pleiku thu giữ 180 kg pháo nổ dịp giáp Tết Nguyên đán 2021. Ảnh: Lê Gia
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong dịp nghỉ Tết Tân Sửu 2021, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 29 trường hợp đốt pháo nổ trái phép. Hiện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp với số tiền 7,5 triệu đồng và tiếp tục lập hồ sơ xử lý các trường hợp còn lại.
Qua tìm hiểu của P.V, trong dịp Tết vừa qua có 4 trường hợp nhập viện cấp cứu do pháo nổ. Ngày 15-2 (tức mùng 4 Tết), Trung tâm Y tế TP. Pleiku tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.N. (SN 1980, trú tại TP. Pleiku) đến cấp cứu với tổn thương nặng về mắt liên quan đến pháo nổ. Anh N. cho biết đã bị 1 viên pháo bắn trúng vào vùng mắt làm vỡ mắt kính đang đeo nên mảnh kính găm vào mắt. Bệnh nhân đã được chuyển đến Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) để phẫu thuật gắp dị vật và điều trị vết thương giác mạc.
Tại Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua cũng đã ghi nhận 3 trường hợp nhập viện cấp cứu do pháo nổ, trong đó có 1 trường hợp đã xuất viện, 2 trường hợp vẫn đang được điều trị.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Lành-Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Nguyên-cảnh báo: “Các trường hợp nhập viện cấp cứu đều bị tổn thương mắt trong quá trình xem pháo hoa nổ. Khi nhập viện, bệnh nhân mới cảm thấy hối hận. Hành vi đốt pháo rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương nặng về mắt, thậm chí dẫn đến mù vĩnh viễn. Hiện chúng tôi vẫn đang theo dõi, điều trị tích cực cho các bệnh nhân bị tổn thương mắt do pháo nổ”.
LÊ GIA

Có thể bạn quan tâm