Thời tiết lạnh giá những ngày gần đây khiến bệnh nhân đột quỵ tăng đột biến, trong đó có nhiều người trẻ tuổi. Đáng nói chỉ 20% số ca đột quỵ được cấp cứu kịp thời.
Những ngày qua, tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội liên tục tiếp nhận nhiều ca cấp cứu vì đột quỵ. Tại Trung tâm cấp cứu (A9), Bệnh viện Bạch Mai, tuần qua, số bệnh nhân đột quỵ cấp cứu tăng gấp đôi, chủ yếu chuyển đến từ các tuyến và xung quanh bệnh viện.
Tương tự, tại Bệnh viện E, mỗi ngày cấp cứu khoảng hơn 10 ca đột quỵ nhưng chỉ có khoảng 2 bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong "thời gian vàng" tức là trong vòng 4-5 tiếng sau khi có dấu hiệu đột quỵ. Việc đến viện muộn đã khiến nhiều bệnh nhân hôn mê, thậm chí tổn thương não.
Số ca cấp cứu do đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai có xu hướng gia tăng. |
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Trung tâm cấp cứu (A9), Bệnh viện Bạch Mai, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng trong những ngày lạnh giá vừa qua, bệnh nhân khám, điều trị, cấp cứu do đột quỵ tăng lên rõ rệt, trong đó nhiều người trẻ và một tỉ lệ lớn bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị trong "thời gian vàng".
Phân tích về lý do lượng bệnh nhân đột quỵ nặng nhập viện có xu hướng tăng thời gian gần đây, các bác sĩ cho biết một trong những yếu tố khách quan thúc đẩy chính là điều kiện thời tiết lạnh. Về bản chất thì thời tiết lạnh không phải là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, nhưng tình trạng nhiễm lạnh đột ngột, thời tiết thay đổi liên tục lại làm tăng nguy cơ đột quỵ não.
Theo PGS Chi, đột quỵ xảy ra trên nền các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đó là đái tháo đường, huyết áp cao, mỡ máu cao, bệnh lý van tim, bệnh lý nhịp tim, những người hút thuốc lá, những người thừa cân béo phì. Càng nhiều yếu tố thì càng tăng nguy cơ đột quỵ. Những trường hợp này khi gặp thời tiết giá rét khắc nghiệt rất dễ bị bất ổn về sức khỏe hoặc thậm chí chỉ việc quên dùng thuốc với các trường hợp mắc bệnh mãn tính sẽ làm cho các yếu tố nguy cơ càng khó kiểm soát, trở nên bất ổn, đẩy bệnh nhân vào đột quỵ cao hơn.
"Chúng tôi khuyến cáo với những bệnh nhân khi đã có bệnh nền mãn tính tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu... cần phải thực hiện nghiêm túc chế độ điều trị do bác sĩ hướng dẫn. Khi thấy những dấu hiệu bất thường như: Yếu một bên tay, nói khó, liệt mặt, thậm chí tiếp xúc chậm chạp thì đó là những dấu hiệu rất bất thường, là nguy cơ đột quỵ"- PGS Chi lưu ý.
Theo các bác sĩ, khi thời tiết thay đổi, nhất là vào mùa lạnh, người dân, đặc biệt với người cao tuổi, cần chú ý trước khi thay đổi môi trường từ ấm sang lạnh, cần chuẩn bị kỹ và để cơ thể có thời gian thích nghi. Có thể áp dụng những biện pháp đơn giản như: Đặt áo ấm cạnh giường ngủ để mặc ngay khi thức dậy, mặc đồ ấm trước khi ra khỏi phòng tắm, mặc ấm trước khi mở cửa ra ngoài trời lạnh… để giúp bảo vệ cơ thể tránh nhiễm lạnh đột ngột.
Bác sĩ khuyến cáo không nên cho người bị đột quỵ dùng An cung. |
"Khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, cần đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn, không dùng bất cứ thuốc gì hay đồ uống gì vì có thể lúc đó bệnh nhân bị rối loạn nuốt, nếu cho bệnh nhân ăn, uống có thể bị sặc. Một số trường hợp có hỏi bác sĩ là "có nên cho dùng An cung không", thì tôi xin trả lời là "không được dùng". Vì tại thời điểm đó bệnh nhân có thể bị sặc vào phổi, đe dọa tính mạng ngay. Chúng ta hãy tìm cách đặt bệnh nhân an toàn, nhanh nhất kết nối đơn vị y tế hoặc đơn vị vận chuyển cấp cứu 115 và hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân an toàn đến bệnh viện sớm nhất để tận dụng được "giờ vàng"" - PGS Chi khuyến cáo.
Theo các bác sĩ, "giờ vàng" cho bệnh nhân đột quỵ thể thiếu máu tốt nhất là 3 giờ đầu và "cửa sổ" giờ vàng có thể cho phép mở rộng tới 4-6 giờ. Đặc biệt với thể đột quỵ thiếu máu thì "giờ vàng" càng quan trọng. Nếu đến trung tâm lớn, bệnh viện lớn có thể tái thông mạch máu, có thể cứu sống hoàn toàn vùng não bị tổn thương, người bệnh sớm về với cuộc sống bình thường.
Còn đột quỵ chảy máu, nếu đến sớm thì các yếu tố nguy cơ và nguy cơ gây đột quỵ được can thiệp sớm, hoặc sớm có kế hoạch điều trị, giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn. Do đó thời gian với bệnh nhân đột quỵ rất quan trọng. Thống kê cho thấy tỉ lệ đột quỵ thể nhồi máu não chiếm đa số (85%), nhưng tỉ lệ bệnh nhân nặng và tử vong ở thể chảy máu não lại cao hơn đáng kể so với nhồi máu não.
Theo N.Dung (NLĐO)